Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số

08:09, 20/09/2022

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng công nghệ số thì chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng vận hành tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) nên Sở KH và CN luôn xác định vai trò, trách nhiệm lớn của ngành cùng với các sở, ngành liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch về CĐS của tỉnh. Sở đã triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy CĐS trong các ngành, lĩnh vực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh số hóa tư liệu phục vụ khách tham quan tra cứu thông tin.
Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh số hóa tư liệu phục vụ khách tham quan tra cứu thông tin.

Kế hoạch số 122 ngày 22-10-2021 của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh CĐS để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên KH và CN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định cơ bản hoàn thành CĐS gắn với các dịch vụ đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc. Thực hiện kế hoạch CĐS của tỉnh, Sở KH và CN đã phối hợp với các ngành, đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ KH và CN như: Hỗ trợ triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh trong giáo dục tại 4 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; Xây dựng mô hình dạy học kết hợp tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh; “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh tại tỉnh Nam Định”...

Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo Sở KH và CN cùng các sở, ngành liên quan thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Trong lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đổi mới công nghệ áp dụng các công cụ hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh. Đặc biệt, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện Dự án “Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định”, đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến được xây dựng hoàn thiện với tên miền là https://ndtex.vn thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng thông tin bán hàng cũng như tìm mua các sản phẩm công nghệ, thiết bị, bước đầu khẳng định được tính hiệu quả của thương mại điện tử mang lại và dần trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển “thị trường số” KH và CN trên địa bàn. Đối với nông nghiệp, ưu tiên ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như: lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây, ngao, tôm, cá; một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; các sản phẩm OCOP của địa phương. Đến nay, đã có 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR-Code) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho gần 150 dòng sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản thực phẩm. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến tư nhân cũng được thực hiện như sử dụng phần mềm nhật ký điện tử để theo dõi nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điển hình là Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bách Phượng (Vụ Bản) ứng dụng IoT (Internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo) cho trang trại nuôi lợn, giúp giám sát, điều khiển môi trường chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về du lịch, ứng dụng triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm như: khu di tích đặc biệt quốc gia Đền Trần - Chùa Tháp; Khu di tích Phủ Dầy; Chùa Cổ Lễ… Chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu về điểm đến, các tour tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh. Gắn mã QR-Code cho các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh với nền tảng du lịch thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận nhanh, sinh động, chính xác, đầy đủ thông tin về điểm đến. Đối với phát triển xã hội số, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Số hóa tài liệu, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ứng dụng, phát triển nền tảng hỗ trợ khám, tư vấn, chữa bệnh từ xa, từng bước xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh, hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng dựa trên nền tảng công nghệ số. Về văn hóa, ứng dụng công nghệ quảng bá các sản phẩm văn hóa, lịch sử; xây dựng hình ảnh, văn hóa của tỉnh trên không gian mạng.

Để tạo thuận lợi cho tổ chức các hoạt động KH và CN thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ngày 6-7-2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 77/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng chí Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Để thúc đẩy CĐS, trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tiếp đó là ứng dụng KH và CN trong CĐS. Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, CĐS, trong đó việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực có ý nghĩa sống còn và là cơ hội để phát triển ngành, lĩnh vực. Thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH và CN CĐS vào sản xuất, đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; công cụ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Đồng thời hỗ trợ các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, phát triển kênh thương mại; tham gia các giải thưởng Chất lượng quốc gia, quốc tế, giải thưởng KHCN, các hội chợ triển lãm liên quan đến lĩnh vực KHCN; đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, CĐS, phát triển thị trường KHCN, doanh nghiệp KHCN; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com