Ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản

08:08, 19/08/2022

ng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là công nghệ cao, trong chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm địa phương là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp, các ngành. Sau một thời gian nỗ lực đưa KHCN vào chế biến, một số nông sản, thực phẩm địa phương đã khẳng định được thương hiệu, chiếm vị thế trên thị trường, góp phần quan trọng tạo đà cho tỉnh ta xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hiện đại và bền vững.

Dây chuyền chế biến rượu nấm linh chi của HTX Dịch vụ Linh Phát.
Dây chuyền chế biến rượu nấm linh chi của HTX Dịch vụ Linh Phát.

Để thúc đẩy ứng dụng KHCN phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương quy hoạch nhằm tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, thế mạnh về nguyên liệu của tỉnh. Thông qua chương trình “mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, các ngành, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp chế biến ứng dụng KHCN, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất theo các yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thời gian qua, từ nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, ngành KH và CN đã triển khai trên 10 dự án chuyển giao ứng dụng KH và CN vào chế biến nông sản như dự án ứng dụng công nghệ mới trong trồng, bảo quản, chế biến khoai tây; trồng và chế biến lúa gạo chất lượng cao; sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm đông trùng hạ thảo; chế biến tép moi sấy, nước mắm truyền thống... Đến nay, toàn tỉnh có 539 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản; trong đó nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại. Chế biến lúa gạo, rau củ, quả có bước phát triển mạnh với 15 cơ sở, nhà máy chế biến lúa gạo, công suất từ 4-40 nghìn tấn/năm; 5 nhà máy chế biến rau, quả, sản phẩm nông sản sấy, nước ép đóng hộp và trên 70 cơ sở quy mô nhỏ đã đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm từ trồng trọt như ép dầu thực vật lạc, vừng (mè), làm đậu phụ, miến, bún bánh… Một số nhà máy được đầu tư máy, dây chuyền, công nghệ mới trong chế biến và thực hiện mô hình liên kết với nông dân, HTX. Điển hình là mô hình liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường (Xuân Trường); mô hình sản xuất chế biến lúa gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên); mô hình liên kết chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH một thành viên Minh Dương (thành phố Nam Định), Công ty Cổ phần rau, quả sạch Ngọc Anh (Trực Ninh)… Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh hiện có 4 cơ sở giết mổ tập trung; đảm bảo làm tốt công tác quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường đối với 1.778 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và khoảng 100 nghìn cơ sở chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Công Danh, Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (thành phố Nam Định); Công ty TNHH Công Phượng, Công ty TNHH Biển Đông DHS (Hải Hậu); Trang trại Hiền Thục (Trực Ninh)... đã xây dựng nhà máy, đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi liên kết với đa dạng các sản phẩm từ thịt, trứng gia cầm. Một số sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đã được xuất khẩu sang Hồng Kông, Malaysia. Chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá cũng có bước phát triển đột phá. Ngoài tổ chức lại các đội tàu khai thác và triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (khai thác IUU), ngành NN và PTNT khuyến khích ngư dân sử dụng các phương pháp bảo quản sản phẩm mới bằng sử dụng vật liệu PU Foam (Polyurethane Foam) để gia cố vách hầm bảo quản, ngăn ngừa thất thoát nhiệt, nước đá trong hầm tàu bảo quản sản phẩm thuỷ sản. Phương pháp được ngư dân sử dụng rộng rãi giúp kéo dài thời gian khai thác trên biển, tăng hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhiều nhà máy đã đầu tư công nghệ cao để chế biến sâu, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, điển hình như: Công ty TNHH Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy); Công ty THHH Thành Vui, Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định (Hải Hậu)… Chế biến mắm và các sản phẩm từ mắm tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định với hơn 100 cơ sở quy mô vừa và nhỏ, sản lượng chế biến đạt trên 6 triệu lít/năm. Đặc biệt, vùng nuôi liên kết 500ha tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam được chứng nhận ASC và ASC/CoC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho Ngao Meretrix Lyrata. Năm 2021 xuất khẩu sản phẩm ngao đạt trên 11,5 triệu USD với sản lượng trên 6.300 tấn. Chế biến muối tiếp tục được củng cố và phát triển với 16 doanh nghiệp, năng lực chế biến gần 100 nghìn tấn với 50 dòng sản phẩm muối và từ muối giúp tỉnh trở thành địa phương có sản lượng chế biến muối lớn của miền Bắc cung cấp cho ngành công nghiệp thực phẩm, tiêu dùng. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã đầu tư công nghệ để chế biến sâu và cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm từ muối mới như: muối biển nhạt Royal, muối massage, muối thảo dược EPSOM, muối ô-mai… Trong đó, sản phẩm muối nhãn hiệu NADISALT đã xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, nâng cao giá trị hạt muối Nam Định, góp phần giữ vững nghề truyền thống của miền quê vùng biển.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong chế biến nông sản của tỉnh ta hiện vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Thị Tố Nga cho biết: Hiện nay, số lượng cơ sở chế biến nông sản của tỉnh nhiều nhưng quy mô đa số là nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ chế biến chủ yếu là thủ công và bán tự động, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp có quy trình sản xuất khép kín tự động và khoảng 20% áp dụng tốt chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Khả năng chế biến của một số ngành hàng chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng nông sản tại địa phương, nhất là vào cao điểm của mùa vụ rau, quả... Việc liên kết giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ còn lỏng lẻo. Mặt khác, cơ chế chính sách của Nhà nước về đất đai, tín dụng... chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Nguồn kinh phí cho các hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN rất hạn hẹp, chủ yếu từ dự án và việc phân bổ kiêm nhiệm thực hiện của các đơn vị. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy đã được đầu tư nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong chế biến nông sản, Sở NN và PTNT đề nghị cần có cơ chế chính sách hấp dẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp có tiềm năng tham gia vào khâu chế biến nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống hàng nhái, hàng giả./.

Bài và ảnh: Anh Khoa

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com