Robot hình người thám hiểm xác tàu đắm dưới đáy biển

05:08, 30/08/2022

Robot OceanOneK của phòng thí nghiệm Stanford Robotics có thể lặn sâu một kilomet để thu hồi cổ vật, thám hiểm xác tàu đắm và sửa chữa công trình dưới biển.

OceanOneK mặt trước trông giống như một thợ lặn với cánh tay, bàn tay và đôi mắt có tầm nhìn 3D, thu lại thế giới dưới nước với đầy đủ màu sắc. Mặt sau của robot có máy tính và 8 động cơ đẩy đa hướng giúp nó khéo léo chuyển động vào những con tàu bị chìm.

Khi điều khiển OceanOneK, hệ thống phản hồi xúc giác (dựa trên cảm ứng) của robot sẽ khiến người đó cảm nhận được lực cản của nước cũng như đường nét của các hiện vật. Chính khả năng nhìn và cảm ứng thực tế của OceanOneK sẽ khiến con người cảm thấy như đang thực sự lặn xuống vực sâu trong khi không phải gặp bất cứ nguy hiểm thực tế mà một thợ lặn sẽ phải trải qua.

Robot này cho phép người điều khiển cảm thấy như mình cũng đang thám hiểm dưới nước.
Robot này cho phép người điều khiển cảm thấy như mình cũng đang thám hiểm dưới nước.

Cho đến nay, OceanOneK đã khám phá một máy bay Beechcraft Baron F-GDPV, tàu hơi nước Le Francesco Crispi của Ý, một con tàu La Mã thế kỷ thứ hai ngoài khơi Corsica, một máy bay P-38 Lightning trong Thế chiến II và một tàu ngầm mang tên Le Proteé đang ngủ yên dưới đáy đại dương.

Khatib, Giáo sư của Trường Kỹ thuật Stanford và giám đốc Phòng thí nghiệm Người máy Stanford cho biết khi được khám phá con thuyền Crispi nằm dưới Biển Địa Trung Hải với độ sâu khoảng 500 mét: "Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì như vậy trong đời. Có thể nói tôi là người đã chạm vào Crispi ở độ cao 500 mét. Và tôi đã chạm vào nó, cảm nhận được nó".

OceanOneK có thể chỉ là sự khởi đầu của một tương lai nơi các robot tham gia thám hiểm giúp con người khám phá các đại dương nguy hiểm theo một cách hoàn toàn mới.

Các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu OceanOneK phải đạt độ sâu khám phá 1km. Nhóm nghiên cứu đã thay đổi cơ thể của robot bằng cách sử dụng các vi cầu thủy tinh để tăng sức nổi và chống lại áp suất 1.000 mét - gấp hơn 100 lần những gì con người trải qua ở mực nước biển.

Vào tháng 7, nhóm nghiên cứu đã thăm lại con tàu La Mã và tàu Crispi. OceanOneK đã thu thập thành công những chiếc bình cổ và đèn dầu của chiếc tàu này. Ngoài ra, người máy đã cẩn thận đặt một camera bên trong thân tàu bị nứt vỡ của Crispi để quay video về san hô và quá trình hình thành rỉ sét trong khi vi khuẩn ăn mòn sắt của con tàu.

Xuất phát từ một ý tưởng năm 2014, dự án đã có một hành trình dài cải tiến để thực hiện những chuyến thám hiểm đến các thành phố bị mất tích dưới nước, các rạn san hô và xác tàu sâu. Những đổi mới của OceanOneK cũng đặt nền móng cho các dự án kỹ thuật dưới nước quan trọng hơn như sửa chữa tàu thuyền, cầu tàu và đường ống.

Nhưng Khatib và nhóm của ông còn có ước mơ lớn hơn là khám phá không gian. Khatib cho biết Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm đến robot. Một thiết bị xúc giác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ cho phép các phi hành gia tương tác với robot. Khatib nói: "Sẽ thật tuyệt vời nếu trong tương lai robot có thể khám phá các hành tinh hoặc mặt trăng và được trang bị hệ thống phản hồi xúc giác để mang lại cảm giác chân thật cho con người như OceanOneK đang làm".

Theo khoahoc.tv


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com