Tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nên những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đã được thực hiện cơ bản bảo đảm đúng tiến độ đề ra.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho nhân dân. |
Để thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 14-2-2022; UBND tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Đề án 06. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 26-4-2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Nam Định; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị chuyên ngành của Bộ Công an về kiểm tra an ninh an toàn mạng hệ thống thông tin phục vụ kết nối, chia sẻ. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh từ ngày 1-6-2022; bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 1-12-2022 và cấp xã từ ngày 1-7-2023; riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 thực hiện số hóa từ ngày 1-7-2022. Với trách nhiệm của cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã ban hành 23 văn bản triển khai thực hiện các mặt công tác của Đề án 06; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện Đề án 06 trong lực lượng Công an và hội nghị đánh giá tình hình, kết quả công tác tham mưu triển khai thực hiện Đề án 06 của tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh. Đồng thời chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, Công an các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, lồng ghép vào các buổi họp của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị, tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm và tuyên truyền lưu động trên xe của Công an xã. Phối hợp với Trung tâm Kinh doanh VNPT Nam Định, Chi nhánh Viettel Nam Định, Mobifone Nam Định nhắn tin tuyên truyền về nộp phạt vi phạm trực tuyến qua Cổng dịch vụ công và phân cấp đăng ký xe trên địa bàn tỉnh; thông báo công khai các điểm đăng ký xe ô tô, mô tô. Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tiếp tục “làm sạch” dữ liệu dân cư, triển khai thu nhận hồ sơ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử kết hợp thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử với nhóm công dân làm mới CCCD và công dân cấp đổi CCCD. Đến ngày 13-6-2022, toàn tỉnh đã thu nhận 1.481.344 hồ sơ CCCD gắn chíp điện tử, đạt 84,44%. Công an tỉnh đã triển khai 6/11 dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Bộ Công an, đã tiếp nhận và giải quyết 12.797 hồ sơ. Chỉ đạo Công an cấp huyện, xã duy trì, khắc phục những hạn chế, bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD gắn chíp điện tử. Các sở, ngành, UBND các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tập trung rà soát, bố trí nguồn nhân lực phục vụ triển khai các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tính đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng và đi vào hoạt động, cung cấp gần 600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay đã có 5,3 triệu lượt người truy cập. Hiện nay trên 40% thủ tục hành chính của tỉnh thường xuyên phát sinh hồ sơ trực tuyến, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 20%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trên cổng dịch vụ công là 243.383 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 24.655 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,98%. Hệ thống công nghệ thông tin được xây dựng tập trung, triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước 3 cấp từ tỉnh đến cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được hoàn thiện đảm bảo phục vụ trên 200 nghìn người truy cập cùng một thời điểm; đáp ứng việc kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước 3 cấp của tỉnh và 16 phần mềm, cơ sở dữ liệu khác.
Bước đầu thực hiện cung cấp một số dịch vụ công liên quan đến cư trú trên cổng dịch vụ công đã đạt được những kết quả vượt bậc so với trước khi triển khai Đề án. Một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý cư trú được đơn giản hóa, tinh giản các giấy tờ không cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, doanh nghiệp, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ đồng thời tăng cường tính chính xác, nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành tiếp tục được quan tâm, triển khai đúng tiến độ, qua đó ngoài việc “làm giàu” dữ liệu dân cư đã góp phần “làm sạch” dữ liệu chuyên ngành, xác thực thông tin công dân chính xác, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án 06 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa cao; việc đăng ký hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch công còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống đòi hỏi phải có số điện thoại chính chủ để đăng ký tài khoản và nhập thông tin người đăng ký đúng với thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư. Tỷ lệ hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp. Hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa thuận lợi cho việc nộp hồ sơ trực tuyến, người dân vẫn còn tâm lý nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa để yên tâm hơn. Hệ thống đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thường xuyên bị quá tải ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận hồ sơ thủ tục đăng ký cư trú, cấp CCCD, chưa đáp ứng yêu cầu… Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng do chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhân lực chất lượng cao đến công tác. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các đơn vị hiện nay chưa được đồng bộ, chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương để địa phương thực hiện nên kết quả triển khai thực hiện còn hạn chế.
Thời gian tới, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong triển khai Đề án 06. Tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư. Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính. Công an tỉnh chủ trì, đề xuất cơ chế bảo đảm kinh phí duy trì, quản trị và khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp tục bám sát các nhiệm vụ của Đề án 06 nhóm phát triển kinh tế - xã hội để tập trung triển khai, thực hiện, đảm bảo tiến độ. Sở Tài chính phối hợp với Công an tỉnh đề xuất cơ chế bảo đảm kinh phí duy trì, quản trị và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các sở, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư./.
Bài và ảnh: Văn Đại