Những năm qua, các hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thúc đẩy, lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, được tỉnh xác định là động lực, khâu đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa để phát triển nhanh và bền vững.
Lò luyện nhiệt liên tục tự động kết hợp ứng dụng công nghệ IoT của Công ty TNHH Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định). |
Thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Nam Định”, Sở KH và CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may; cơ khí; sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng… để được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000, HACCP, ISO/IEC 17025…), công cụ cải tiến năng suất, chất lượng (Kaizen, 5S, Lean Six Sigma) và hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Kết quả, đã hỗ trợ 132/250 lượt doanh nghiệp thực hiện các mô hình mới để cải tiến năng suất, chất lượng. Tiêu biểu là Công ty TNHH Công Phượng (Hải Hậu) sau khi áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP từ các khâu cho gà ăn, uống, kiểm soát nhiệt độ, thu gom trứng tới xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt đã giúp tỷ lệ đẻ trứng của gà đạt rất cao, khai thác lâu dài với sản lượng bình quân 16 triệu quả/năm; chất lượng sản phẩm sạch, an toàn tuyệt đối và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được người tiêu dùng tín nhiệm nên dễ tiêu thụ đã góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp. Công ty Cổ phần May Nam Hà được hỗ trợ áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean Six Sigma, Kaizen đã tăng lên 23% so với trước đó. Hiện Công ty đã thiết kế và ứng dụng phần mềm chuyên dụng góp phần xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may giúp tăng năng suất lao động chung lên 30%. Công ty TNHH Max Window (thành phố Nam Định) sau khi xây dựng và áp dụng công cụ quản lý 5S, mặt bằng làm việc; kho chứa; công cụ, thiết bị sản xuất sắp xếp khoa học hơn đẩy năng suất tăng trung bình khoảng 20%, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Sở KH và CN đã hỗ trợ cho 192 lượt (tương ứng có 167 tổ chức, cá nhân) với tổng kinh phí gần 2,675 tỷ đồng. Trong đó, 7 đơn vị được hỗ trợ kiểm toán năng lượng; 2 đơn vị xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng; 5 đơn vị tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia và 1 đơn vị được hỗ trợ chi phí đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật… góp phần phát triển nhận thức của các doanh nghiệp, người lao động về hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động tổ chức cho công nhân lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đặc biệt là khuyến khích, vận động lực lượng lao động trực tiếp nghiên cứu, sáng tạo tìm các biện pháp để tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tiêu biểu là tại Công ty TNHH Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định), hai công nhân Trần Việt Tiệp và Vũ Văn Trường đã nghiên cứu và thiết kế thành công lò nhiệt luyện liên tục tự động kết hợp giải pháp internet vạn vật (IoT) điều hành giám sát thu nhập dữ liệu từ xa. Lò nhiệt luyện gồm hệ thống lò chạy dài với các vùng nhiệt được chia đều và giữ ở nhiệt độ ổn định; hệ thống tự động điều khiển giám sát từng vùng nhiệt áp dụng các thiết bị hiện đại cho ra một hệ thống chính xác và có tính tự động hóa cao, giảm nhân lực vận hành; phần giám sát thu thập dữ liệu sử dụng công nghệ IoT để điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu theo thời gian thực. Giải pháp này không những giảm bớt nhân lực khi chỉ cần 1 công nhân giám sát cả hệ thống thay cho 4 người vận hành thủ công liên tục so với trước đây mà còn góp phần tăng năng suất và an toàn lao động, là nền tảng để doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh 4.0 trong tương lai. Sáng kiến “Cải tiến quy trình đóng áo sơ mi vào thùng các-tông để tránh nhầm lẫn và sai sót khi xuất khẩu hàng đi nước ngoài” của anh Nguyễn Hoàng Long, Công ty TNHH Smart Shirts Garment Manufacturing Bảo Minh (Vụ Bản) giúp Bộ phận Hoàn thành sản phẩm giảm thiểu áp lực về tiến độ, thời gian, chất lượng và làm lợi cho doanh nghiệp hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Hiện sáng kiến này không chỉ áp dụng ở Công ty mà còn được mở rộng ứng dụng ra 5 nhà máy khác của Tập đoàn Smart Shirts.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, ngày 31-8-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định 1322/QĐ-TTg và hỗ trợ công khai, minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp, Sở KH và CN đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đề xuất chỉnh sửa, bổ sung tại Nghị quyết 42/2017/NQ-HĐND thay đổi cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng cơ bản, đặc thù cho ngành, lĩnh vực mới được công bố; hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia, Tiêu chuẩn khu vực, Tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...
Kết quả của hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó cũng là nền tảng, động lực để tiếp tục thúc đẩy hoạt động KHCN là một giải pháp quan trọng tạo đột phá phát triển cho Nam Định, hướng đến mục tiêu xây dựng “Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh