Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, đời sống luôn được coi là một trong những giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thực hiện tích cực, qua đó đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.
Ứng dụng hệ thống cấp nhiệt và khuấy tự động trong sản xuất nước mắm tại Công ty TNHH nước mắm Lâm Bão (Hải Hậu). |
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác khoa học công nghệ trong lãnh đạo chỉ đạo các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo chức năng. Thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân về nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, thân thiện với môi trường. Toàn tỉnh hiện có 539 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Từ nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Sở NN và PTNT đã triển khai trên 10 dự án chuyển giao ứng dụng KH và CN vào chế biến nông sản như các dự án: ứng dụng công nghệ mới trong trồng, bảo quản chế biến khoai tây, trồng và chế biến lúa gạo chất lượng cao; chế biến nước mắm; ứng dụng và nhân rộng công nghệ nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản vào sản xuất phân bón và sản xuất rau sạch, rau an toàn; xây dựng các mô hình thực hiện tốt an toàn sinh học, quản lý chất thải, phòng chống dịch bệnh và sử dụng kháng sinh có hiệu quả trong chăn nuôi lợn… Đặc biệt, đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu biểu là Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm (Giao Thủy) được hỗ trợ dây chuyền chế biến muối tinh khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã tạo ra sản phẩm muối tinh có chất lượng cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định; Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy) được hỗ trợ đầu tư hệ thống máy sấy hiện đại trị giá trên 5 tỷ đồng, phục vụ việc chế biến, bảo quản thủy sản sau thu hoạch giúp tăng tính chủ động kế hoạch sản xuất, không bị phụ thuộc vào thời tiết… Lĩnh vực chế biến nông sản của tỉnh có bước phát triển mạnh với 15 cơ sở, nhà máy chế biến lúa gạo, công suất từ 4-40 nghìn tấn/năm; 5 nhà máy chế biến rau, quả, nông sản sấy, nước ép đóng lon và trên 70 cơ sở quy mô nhỏ đã đầu tư máy móc thiết bị chế biến các sản phẩm từ trồng trọt như ép dầu lạc, dầu vừng (mè), đậu phụ, miến, bún bánh… Các nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi theo liên kết chuỗi như: Công ty TNHH Công Danh, Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (thành phố Nam Định); Công ty TNHH Công Phượng, Công ty TNHH Biển Đông DHS (Hải Hậu); trang trại Hiền Thục (Trực Ninh)... đã thu mua, chế biến đa dạng các sản phẩm từ thịt, trứng. Một số sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đã được xuất khẩu sang Hồng Kông, Malaysia.
Ngoài hỗ trợ, khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại, tỉnh chỉ đạo ngành NN và PTNT đẩy mạnh xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (VietGAP, GMP, HACCP, ISO 22000, SSOP…). Hiện các đơn vị của Sở NN và PTNT đã hỗ trợ cho 125 cơ sở, doanh nghiệp được công nhận áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến VietGAP, HACCP; 1 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng và chứng nhận phù hợp theo yêu cầu của TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ; “Vùng nuôi liên kết Lerger Farm” 500ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng), Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam được chứng nhận ASC và ASC/CoC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretxlyrata. Kết quả hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến bước đầu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nâng cao thương hiệu và tính cạnh tranh sản phẩm, qua đó khẳng định chỗ đứng của các doanh nghiệp Nam Định trên thị trường, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cũng nhờ đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến, công tác quản lý chất lượng, bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản của tỉnh được Bộ NN và PTNT đánh giá cao, liên tục từ năm 2017 đến nay được xếp trong tốp đầu của cả nước. Cùng với phát triển sản xuất, chế biến, Sở NN và PTNT còn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh công bố chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Trong năm 2021, Sở NN và PTNT đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn và tự công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 178 sản phẩm của 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… xây dựng nhãn mác hàng hóa; đã có 20 doanh nghiệp, công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, 3 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ (cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Giao Châu, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh), 1 cơ sở được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Gạo tám xoan Hải Hậu đã giúp tiếp cận với thị trường tốt hơn, nâng cao giá trị thương mại. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn tư vấn, hướng dẫn các cơ sở ứng dụng mạnh công nghệ thông tin để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chống gian lận thương mại. Có 4 cơ sở đầu tư hệ thống điều khiển tự động, 130 cơ sở xây dựng phần mềm định danh điện tử, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi sản xuất… Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, Sở NN và PTNT đã đưa 100 sản phẩm của 20 cơ sở lên sàn thương mại điện tử Voso.vn; hỗ trợ Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tổ chức lễ xuất hành Container thịt ngao xuất khẩu đầu tiên sang châu Âu; hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh mở được chuỗi 6 cửa hàng nông nghiệp sạch, tạo kênh chính thống kết nối sản phẩm nông nghiệp an toàn với người tiêu dùng và lan tỏa hình thành hệ thống chuỗi 60 cửa hàng tiện ích kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể nói, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm đã giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn đưa cây trồng, vật nuôi có tiềm năng năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng tập trung chuyên sâu, quy mô lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm, góp phần tăng thu nhập và hướng tới nền nông nghiệp bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh