Nhằm đảm bảo khả năng truy cập cũng như sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu an toàn giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh và Trung ương tới các địa phương trong xây dựng chính quyền điện tử, vận hành đô thị thông minh, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đang nỗ lực đảm bảo kết nối và vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) cấp II tới toàn hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước 3 cấp.
Ứng dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại xã Liên Minh (Vụ Bản). |
Mạng TSLCD cấp II là hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu được phân cấp cho các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh. Đây là mạng truyền dẫn dùng riêng có tính an toàn, bảo mật, tốc độ cao với dung lượng lớn không bị ngắt quãng, đáp ứng sự chỉ đạo kịp thời nhanh chóng của lãnh đạo tỉnh tới các địa phương trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian, đảm bảo vận hành các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh, thay thế các mạng công cộng, đường truyền thương mại đã sử dụng trước đây. Với những lợi ích đó, từ năm 2012 trên địa bàn tỉnh ta, mạng TSLCD đã được Cục Bưu điện Trung ương triển khai tại 55 cơ quan, đơn vị. Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Cục Bưu điện Trung ương, Sở TT và TT đã làm tốt nhiệm vụ đầu mối hướng dẫn, triển khai mạng TSLCD, giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức được những lợi ích trong việc triển khai, sử dụng mạng TSLCD nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã triển khai dịch vụ truyền hình trực tuyến và các dịch vụ gửi nhận văn bản điện tử xác thực, web, truyền dữ liệu trên hệ thống. Ngoài ra, các đơn vị còn khai thác mạng TSLCD để triển khai những hệ thống nghiệp vụ như hệ thống một cửa, hệ thống quản lý hồ sơ công việc, hệ thống quản lý khai thác hồ sơ công chức, viên chức trong tỉnh, cổng thông tin điện tử… Tuy nhiên, trong tổng số 55 đơn vị mới chỉ có các đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố sử dụng một số dịch vụ ứng dụng trên mạng TSLCD. Các đơn vị khác hầu như chưa khai thác các ứng dụng trên mạng TSLCD mà chỉ sử dụng mạng internet thông thường. Điều này ngoài lãng phí tiền đầu tư máy móc, trang thiết bị còn dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin, cơ sở dữ liệu cũng như không đáp ứng được yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, vận hành đô thị thông minh và chuyển đổi số của tỉnh. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do: Việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đường truyền còn phân tán, chưa tập trung dẫn đến tình trạng có đơn vị ký kết sử dụng, có đơn vị không sử dụng; nhiều đơn vị kết nối mạng TSLCD nhưng lại chưa khai thác các dịch vụ ứng dụng nên việc phải chi trả kinh phí cho duy trì thường xuyên cũng là một gánh nặng cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị cấp xã. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định chung bắt buộc các đơn vị phải sử dụng dịch vụ ứng dụng đồng loạt cũng kéo theo những khó khăn cho quản lý và thống kê số liệu của cơ quan quản lý Nhà nước khi bắt buộc phải triển khai, đầu tư hạ tầng, sử dụng các dịch vụ trên mạng TSLCD.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 24-12-2021, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 993/UBND-VP7 về việc sử dụng mạng TSLCD cấp II đến tất cả các cơ quan đơn vị, địa phương thuộc hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước 3 cấp trên địa bàn tỉnh. Theo đó mô hình mạng TSLCD cấp II áp dụng trên địa bàn tỉnh là: Xây dựng điểm tích hợp chung của mạng TSLCD đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh kết nối đến 371 điểm là các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Dịch vụ cung ứng trên mạng TSLCD cấp II bao gồm: Các dịch vụ quy định tại Điều 5, Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT; các ứng dụng dùng chung của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, vận hành đô thị thông minh và chuyển đổi số của tỉnh (hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm quản lý văn bản điều hành). Mạng TSLCD cấp II khi được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh sẽ đảm bảo độ bảo mật của thông tin cũng như chất lượng đường truyền ổn định. Dự kiến đến đầu tháng 5-2022, mạng TSLCD cấp II sẽ được kích hoạt đi vào sử dụng trên phạm vi toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở TT và TT đã phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương (Bộ TT và TT) làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác triển khai mạng TSLCD. Cử cán bộ phụ trách công nghệ thông tin phối hợp với cán bộ kỹ thuật của 2 doanh nghiệp viễn thông là VNPT Nam Định và Viettel Nam Định xác định vị trí lắp đặt mạng TSLCD, cài đặt cấu hình các thiết bị mạng tại cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh và hướng dẫn sử dụng. Sở TT và TT đã hoàn thành cài đặt cấu hình tại điểm chung ở Trung tâm tích hợp dữ liệu gồm: phần mềm quản lý điều hành; phần mềm một cửa điện tử liên thông 3 cấp; phần mềm cán bộ, công chức, viên chức, họp trực tuyến… và các phần mềm nội bộ khác để đảm bảo an toàn dữ liệu. Tính đến ngày 31-3-2022, tỉnh ta đã hoàn thành việc thiết lập cổng TSLCD cho 366 cơ quan, đơn vị, cơ bản hoàn thành việc kết nối 1.275 máy tính và PC liên thông 4 cấp chính quyền theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ TT và TT của các cơ quan, đơn vị được kết nối với mạng TSLCD.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai mạng TSLCD trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Việc tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và ký kết hợp đồng triển khai mạng TSLCD cho các đơn vị cấp xã chưa kịp thời; một số huyện, xã chưa tuân theo phương án mạng TSLCD mà UBND phê duyệt; một số xã không khảo sát thiết lập mạng TSLCD đến UBND xã mà chuyển sang trường THCS nơi được doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ lắp đặt thiết bị truyền hình trực tuyến.
Việc triển khai, sử dụng mạng TSLCD cấp II là yêu cầu bắt buộc trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử. Để triển khai hiệu quả mạng TSLCD cấp II theo lộ trình kế hoạch đã đề ra trong thời gian tới, Sở TT và TT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị trong hoàn thiện mạng chuyên dùng. Tăng cường công tác quản lý mạng TSLCD và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện tư vấn kỹ thuật đầy đủ, rõ ràng cho các đơn vị về triển khai mạng TSLCD; có phương án kết nối mạng TSLCD với mạng LAN nội bộ và máy vi tính của đơn vị để đảm bảo duy trì hoạt động. UBND các huyện, thành phố tiếp tục đôn đốc, tạo điều kiện cho các xã, thị trấn hoàn thiện việc triển khai mạng TSLCD và chuẩn hóa thông tin các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để Sở TT và TT tập hợp đề nghị Bộ TT và TT cấp địa chỉ IP cho từng đơn vị. Đồng thời sớm ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng mạng TSLCD cấp II trên địa bàn tỉnh để thống nhất quản lý, khai thác hiệu quả những ưu việt trong việc đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu cũng như tính sẵn sàng cao trong mọi tình huống phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương