Thực hiện các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh, thành phố, nhận thức rõ nhiệm vụ này tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) tập trung thực hiện CĐS toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từng bước xây dựng mô hình chính quyền số, công dân số, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cán bộ phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường. |
Đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của phường Thống Nhất nhiều lần, ông Vũ Đình Chi, khu phố Trần Thánh Tông cho biết: ở tuổi về hưu, tôi không còn nhanh nhạy với công nghệ thông tin (CNTT) nhưng khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại phường, được các cán bộ hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tôi đã thực hiện một cách nhanh chóng, nhờ vậy cũng không phải đi lại nhiều. Trung bình mỗi công dân chỉ mất tầm 5-10 phút làm thủ tục là xong, so với trước đổi mới hơn nhiều… Đồng chí Vũ Chí Kiên, Chủ tịch UBND phường cho biết: Đảng ủy, UBND phường Thống Nhất quyết tâm triển khai lộ trình CĐS bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tái cấu trúc các hệ thống quản lý điều hành; triển khai các dịch vụ giáo dục, y tế; phát triển thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Mục tiêu của chương trình đặt ra là ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng đô thị thông minh, hướng đến phát triển kinh tế số gắn với văn minh thương mại. Trên cơ sở đó, phường đã bố trí 1 cán bộ chuyên trách về CNTT, đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận kịp thời các ứng dụng CNTT của tỉnh. Đồng thời, tập trung đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ công cuộc CĐS như trang bị máy kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh và mạng internet tốc độ cao; hệ thống truyền hình trực tuyến của phường kết nối liên thông với hệ thống truyền hình 4 cấp, phục vụ hiệu quả việc chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc của phường trên môi trường internet. 100% cán bộ, công chức được cấp hộp thư công vụ của tỉnh, chứng thư số để thực hiện ký văn bản điện tử theo quy định và để truy cập các phần mềm dùng chung của tỉnh, trao đổi xử lý công việc. 100% cán bộ của phường thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Đến nay, 100% văn bản đến, đi có ký số (trừ văn bản mật) được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản. Do đó phường đã thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản trong hệ thống chuyển nhận văn bản và đáp ứng được việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3. Bình quân 1 tháng, phường tiếp nhận, xử lý hơn 300 văn bản đến, phát hành và ký số điện tử trên 30 văn bản đi. Đối với các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, phường đã triển khai 100% thủ tục hành chính mức độ 4; công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính: 100% hồ sơ thủ tục hành chính của phường được tiếp nhận, giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đồng thời tổ chức triển khai việc thanh toán trực tuyến và trả kết quả thủ tục hành chính bằng văn bản điện tử. Tại bộ phận một cửa của phường tiếp nhận và giải quyết hơn 300 hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 100%. Trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 26%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh là 21,8%; số tiền thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính bình quân đạt khoảng 300 nghìn đồng/tháng. Đặc biệt từ tháng 9-2021 phường đã triển khai việc trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bằng văn bản điện tử gắn với số hóa kết quả thủ tục hành chính. Bình quân hàng tháng có trên 30 thủ tục hành chính được phường ký số hoặc đính kèm văn bản điện tử để trả cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ số hóa kết quả thủ tục hành chính năm 2021 đạt 19% vượt so với chỉ tiêu 15% tại Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 28-7-2021 của UBND tỉnh. Không chỉ hoạt động tại bộ phận một cửa với các thủ tục hành chính triển khai trên môi trường mạng, phường còn quan tâm đến CĐS trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Các trường học trên địa bàn đều đã xây dựng mô hình trường học thông minh với rất nhiều dịch vụ tiện ích như: kết nối Cổng thông tin điện tử Vnedu.vn, phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm phổ cập giáo dục và dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS; thư viện số và bài giảng số. Trạm Y tế phường số hóa quản lý sức khỏe, dịch bệnh và trang bị hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth, giúp người dân được tư vấn, khám chữa bệnh từ các chuyên gia đầu ngành. Về kinh tế số, phường khuyến khích tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và được đăng ký bảo hộ sản phẩm theo quy định, áp dụng các phần mềm bán hàng tự động, kết nối thương mại điện tử để cung ứng hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển. Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phường ước đạt 9,117 tỷ đồng đạt 117% so với kế hoạch năm, vượt chỉ tiêu, kế hoạch thành phố giao.
CĐS là quá trình lâu dài, không có điểm kết thúc và chưa có tiền lệ. CĐS cấp phường là cách tiếp cận gần dân nhất để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Do đó, thời gian tới, tập thể cán bộ, công chức, đảng viên phường Thống Nhất nêu cao quyết tâm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng CNTT; ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và đẩy mạnh các dịch vụ CĐS phục vụ người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của CĐS. Trong đó chú trọng việc hướng dẫn người dân khai thác các dịch vụ đô thị thông minh, phản ánh hiện trường để tương tác với chính quyền nhiều hơn. Đồng thời hỗ trợ người dân sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến; phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch cũng như các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương