Khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

08:02, 08/02/2022

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã vận động, khuyến khích hội viên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình nuôi ốc hương của HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu).  Bài và ảnh: Lam Hồng
Mô hình nuôi ốc hương của HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu).

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; hàng năm, các cấp HND trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Năm 2021, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 482 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 32 nghìn lượt hội viên, nông dân. Đến nay, HND tỉnh đã trực tiếp triển khai xây dựng 7 mô hình liên kết, điển hình như: “Liên kết sản xuất, tiêu thụ cá bống bớp Sơn Nguyệt” tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) hàng năm sản xuất, tiêu thụ 7,5-8 tấn/ha, thu lãi bình quân 600 triệu đồng/ha/năm; “Liên kết sản xuất tiêu thụ cá trắm đen” của tổ hợp tác xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) xuất bán gần 50 tấn cá các loại, mỗi năm thu lãi 600-700 triệu đồng/ha; “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1HN88” với quy mô 18ha tại xã Liên Bảo (Vụ Bản); “Liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường) quy mô 3,5ha; “Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên) với 15 hộ tham gia, quy mô 18 nghìn con gà đẻ trứng, trong đó có 5 hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, HND các cấp đã tham gia 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các mô hình: Liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu giữa Công ty cổ phần Nam Dược, Công ty Traphaco, Công ty Dược Nam Hà với tổ hợp tác trồng và chế biến dược liệu xã Hải Lộc, Hải An (Hải Hậu) và các vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp liên kết với nông dân của 9 huyện tập trung ruộng đất sản xuất gạo sạch theo chuỗi giá trị của Công ty TNHH Toản Xuân với diện tích 500ha, sản lượng 2.000 tấn lúa chất lượng cao trong đó sản phẩm gạo an toàn đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019. Bên cạnh đó, HND tỉnh, Sở NN và PTNT, Liên minh HTX tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, HTX liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 20 HTX ứng dụng công nghệ cao (tăng 7 HTX so với năm 2020). Trong đó, 8 HTX áp dụng công nghệ trong canh tác; 6 HTX áp dụng công nghệ trong nuôi trồng, bảo quản; 3 HTX áp dụng công nghệ tự động hóa; 3 HTX áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đem lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, một số sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 255 sản phẩm OCOP với đa dạng chủng loại. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) gắn với đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích, ruốc mỡ đã nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, cung ứng đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao. Mô hình trồng dưa và hoa công nghệ 4.0 trong nhà màng diện tích 5.000m2 của anh Mai Ngọc Chấn, xóm Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hẹn giờ tự động. Anh Vũ Văn Khá ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới, trồng dưa lê Hàn Quốc, cà chua, dưa chuột sạch, an toàn. Mô hình sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên). HTX áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn từ nguồn phân hữu cơ công nghệ Nhật Bản sản xuất tại chỗ vào canh tác; đến nay HTX đã có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn được chứng nhận OCOP 3 sao; tổ chức liên kết với Công ty TNHH Ngọc Anh, Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Giao và một số cửa hàng nông sản sạch để sản xuất, tiêu thụ khoai tây và các loại rau được nhiều thị trường tiếp nhận. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) được thành lập năm 2015 với 18 hộ thành viên, đến nay đã phát triển lên 25 thành viên, có diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lợ 25ha với 4 sản phẩm chủ lực gồm cá lăng, trắm, chép, tôm thẻ; đồng thời đầu tư xây dựng xưởng chế biến thức ăn đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đến nay, mỗi ha nuôi trồng của thành viên HTX đạt 200 triệu đồng/năm trở lên.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cấp HND trong tỉnh tiếp tục khuyến khích hội viên phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị theo hướng VietGap, hữu cơ, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com