Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng nguồn giống thủy sản

08:01, 06/01/2022

Bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế, Trung tâm Giống thủy hải sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trở thành địa chỉ tin cậy, cung cấp nguồn giống thủy sản đảm bảo chất lượng cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Giống thủy hải sản kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của ốc nhồi.
Cán bộ Trung tâm Giống thủy hải sản kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của ốc nhồi.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân, Trung tâm Giống thủy hải sản đã chủ động khảo nghiệm giống mới và sản xuất cung ứng con giống chất lượng cho người nuôi thủy sản trong tỉnh. Những năm qua, Trung tâm đặc biệt quan tâm tới việc tuyển chọn nhập cá giống bố mẹ đủ tiêu chuẩn; thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nhân giống, nuôi ương cá giống cung cấp cho các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Trong sản xuất giống thủy sản nước ngọt, năm 2021, Trung tâm đã sản xuất con giống được 30 triệu con cá chép, 12 triệu con cá trắm cỏ, 12 vạn con cá trắm đen, 200 vạn con cá đặc sản các loại; sản xuất đàn hậu bị được 1 tấn cá trắm cỏ, 1 tấn cá trắm đen. Tất cả cá giống đều đạt chất lượng tốt, khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh. Bên cạnh sản xuất các loại giống cá truyền thống, Trung tâm còn cho sinh sản thành công các loại thủy đặc sản như: ếch Thái Lan, ốc nhồi, cá ngạnh, cá lăng và cá trôi trắng Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH và CN), Trung tâm đã nuôi thử nghiệm ếch Thái Lan và sản xuất giống ốc nhồi trong bể có mái che; nuôi tôm càng xanh thâm canh. Đặc biệt là thử nghiệm sinh sản thành công đối tượng nuôi mới là cá Koi Nhật và bắt đầu nuôi thương phẩm từ tháng 5. Đến nay, trọng lượng cá Koi Nhật đạt khoảng 0,5kg, chất lượng con giống tương đối tốt. Đây là tín hiệu vui góp phần làm đa dạng, chủ động nguồn sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trong sản xuất giống hải sản mặn lợ, năm 2021, Trung tâm Giống thủy hải sản tỉnh Nam Định đã sản xuất được 10 vạn con cua biển, 2 vạn con cá biển các loại, 2 tỷ con nhuyễn thể và 10 nghìn chùm hàu Thái Bình Dương làm giống… Trung tâm còn liên hệ, hợp đồng với một số doanh nghiệp chuyên sản xuất tôm thẻ chân trắng giống có nguồn gốc, chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường như: Công ty TNHH Việt Úc, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để nghiên cứu, ứng dụng quy trình thuần hóa tôm thẻ chân trắng giống từ kích cỡ nhỏ (post 8) lên kích cỡ lớn (post 15), đảm bảo cân bằng các yếu tố môi trường trong bể ương và ao nuôi. Đây là bước quan trọng để nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống tôm thẻ chân trắng tại địa phương. Trong năm 2021, Trung tâm đã thuần hóa 4 triệu con tôm sú, 13 triệu con tôm thẻ chân trắng để cung cấp tôm giống cho các hộ nuôi trong vùng. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ân, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Không chỉ cung cấp con giống năng suất cao, phẩm cấp tốt, Trung tâm còn tham mưu cho Ban quản lý giống thủy sản về chính sách quản lý con giống hải sản trong tỉnh và con giống nhập từ tỉnh ngoài; quản lý các vùng nuôi, xây dựng và phát triển vùng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững, góp phần đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu ngành. Trung tâm cũng phát huy tốt các ứng dụng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Điển hình là các mô hình “nuôi tôm thẻ không sử dụng hóa chất”, “nuôi tôm thẻ chân trắng chuyển giai đoạn” giảm chi phí xử lý môi trường nuôi, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho hiệu quả kinh tế cao. Để đa dạng hóa các đối tượng nuôi, Trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá Hồng Mỹ, năng suất đạt 8 tấn/ha và dự kiến nhân rộng trong năm 2022. Ngoài ra, trong năm 2021, Trung tâm đã hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ nuôi thủy sản cho 50 hộ nuôi ở huyện Hải Hậu về kỹ thuật xử lý ao, chuẩn bị nước cấp, xử lý nước thải, lắp đặt hệ thống dàn quạt tạo ô-xy đúng quy cách đạt tiêu chuẩn. Kết quả các hộ được tư vấn đã đạt năng suất nuôi trồng cao hơn, nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi thủy sản. Đề tài “Giải pháp tăng cường chủ động sử dụng sinh vật phù du làm thức ăn trong quá trình ương nuôi cá chép V1 từ giai đoạn cá bột lên cá hương” được công nhận cấp cơ sở; đề tài “Sử dụng hệ thống đèn tia cực tím (UV) và hệ thống lọc âm trong xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm thâm canh tại Giao Thủy” tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2020-2021) đạt giải Ba trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường.

Với sự chuẩn bị trang thiết bị, trại sản xuất giống, ao ương, ao nuôi thương phẩm, tôm giống đạt tiêu chuẩn, giống bố mẹ, cá giống, cá bố mẹ, trong năm 2022, Trung tâm Giống thủy hải sản tiếp tục tập trung sản xuất các đối tượng đang có thị trường tốt như: tôm, ngao, hàu, cá đặc sản, ốc nhồi… và mở rộng các đối tượng ít sử dụng thức ăn công nghiệp để tăng lợi nhuận cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến nền sản xuất nông nghiệp, giá vật tư đầu vào leo thang, đồng thời giá bán ra của một số mặt hàng thủy sản có xu hướng suy giảm. Cụ thể, Trung tâm sẽ thuần hóa 3 triệu con tôm sú, 20 triệu con tôm thẻ chân trắng; sản xuất giống 15 vạn con cua biển, 5 vạn con cá biển, 2,5 tỷ con nhuyễn thể, 12 nghìn chùm hàu Thái Bình Dương, 20 triệu con cá chép, 10 triệu con cá trắm cỏ, 10 vạn con cá trắm đen, 20 vạn con ếch Thái Lan; thực hiện các mô hình nuôi thương phẩm cá Koi Nhật, nuôi thử nghiệm cá đối mục, ương dưỡng tôm thẻ chân trắng.

Việc sản xuất và cung ứng giống các loài thủy hải sản chất lượng cao của Trung tâm Giống thủy hải sản Nam Định đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu nuôi thả cho nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com