Năm 2021 là năm “khởi đầu” thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 nhằm phấn đấu đưa Nam Định thành “tỉnh phát triển khá của cả nước”, trong đó phải khẳng định vai trò của lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH và CN) trong đời sống xã hội.
Xác định rõ vị trí của mình, ngành KH và CN đã triển khai cụ thể hóa các nội dung chương trình hành động bằng việc tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH và CN phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo tính khoa học, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đến nay tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất liên kết chuỗi trong các lĩnh vực nuôi thủy hải sản, sản xuất giống cây trồng, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến; hoàn thiện 18 quy trình công nghệ của lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi và các giống lúa năng suất, chất lượng cao. Đồng thời chọn tạo và phân lập các chủng vi sinh bản địa có tính thích nghi cao phục vụ quá trình sản xuất, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19. Hỗ trợ triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh trong giáo dục như: xây dựng mô hình lớp học thông minh tại một số trường tiểu học, THCS, THPT và một số đề tài hướng tới giải quyết vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, lễ hội, thuần phong mỹ tục, nâng cao chất lượng dạy học và giá trị cuộc sống.
Dây chuyền chế biến nông sản hiện đại của Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, thành phố Nam Định . |
Đồng chí Trần Minh Hoan, TUV, Giám đốc Sở KH và CN phấn khởi cho biết: Từ tháng 6-2021, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ của các doanh nghiệp tại Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN được thành lập và đi vào hoạt động đã thu hút 12 đơn vị tham gia với nhiều sản phẩm thuộc các lĩnh vực xử lý môi trường, hệ thống bếp công nghiệp, thiết bị tin học điện tử… Trong khi đó, Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến đã có 150 doanh nghiệp đăng ký với hơn 1.000 sản phẩm các loại được chào bán. Đây cũng là kết quả của Dự án “Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định”. Song song với việc đưa 2 sàn này vào hoạt động, Sở KH và CN đã tổ chức hội thảo giới thiệu một số công nghệ, nguồn cung công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản; khóa đào tạo nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh chuyên sâu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sự kiện kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển thị trường KH và CN tại tỉnh ta, thúc đẩy xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, năm 2021 Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển cho rất nhiều đặc sản địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP như: 5 nhãn hiệu tập thể (nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định, Cơ khí Xuân Tiến, làng sinh vật cảnh Vị Khê); 3 nhãn hiệu chứng nhận (đồ gỗ La Xuyên, bánh nhãn Hải Hậu, mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy). Từ đó, nâng cao vị thế của các sản phẩm đặc sản của Nam Định trên thị trường. Công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư quan trọng về công nghệ xử lý môi trường, thủy sản, chăn nuôi, y tế… được duy trì đã hạn chế tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghệ lạc hậu gây lãng phí đầu tư và ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, nhờ ứng dụng thành tựu KH và CN các doanh nghiệp trong tỉnh đã thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường. Điểm sáng là Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã đầu tư dây chuyền thiết bị chế biến ngao khép kín, hiện đại và đã xuất thành công chuyến hàng thịt ngao đóng hộp đầu tiên đi châu Âu; dự kiến năm 2022 sẽ xuất khẩu 10 nghìn tấn ngao, doanh thu đạt 18 triệu USD. Trong năm 2021, Công ty TNHH một thành viên Minh Dương và Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà đã xuất sắc đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Đây cũng là những doanh nghiệp đã có nỗ lực đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục tiêu trọng tâm là hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng và sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tăng hiệu quả kinh doanh và thu nhập cho người lao động bằng đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị; áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đón năm mới Nhâm Dần 2022, ngành KH và CN tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất, đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương trên các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; xây dựng đô thị thông minh; vùng kinh tế biển và nông thôn kiểu mẫu sẽ là công cụ đắc lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa Nam Định sớm trở thành “tỉnh phát triển khá của cả nước”./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh