Trước yêu cầu chuyển đổi số, đảm bảo thông tin liên lạc, học tập, làm việc trực tuyến… của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật viễn thông, khắc phục tình trạng “lõm sóng” ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.
Trạm phát sóng di động của Viễn thông Nam Định được xây dựng đúng kỹ thuật tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) đảm bảo chất lượng thu phát sóng ổn định. |
Trong đó, hai nhà mạng lớn là VNPT và Viettel đã đầu tư hạ tầng di động băng rộng đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh và một số trạm viễn thông khu vực biển đảo phục vụ phủ sóng thông tin liên lạc đối với các tàu thuyền hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an ninh quốc phòng trên tuyến biển. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định; 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động, 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập internet cố định. Hạ tầng viễn thông phát triển rộng khắp, với 617,737km cáp quang được ngầm hóa và 1.388 trạm thu phát sóng di động (BTS) bao gồm cả 2G, 3G, 4G được lắp đặt trên 1.147 vị trí trạm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn vẫn còn nhiều điểm “lõm sóng” so với quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động và nhu cầu sử dụng sóng di động phục vụ đời sống, sản xuất của người dân cũng như yêu cầu mở rộng mạng lưới phủ sóng viễn thông của doanh nghiệp. Trong đó, Chi nhánh Viettel Nam Định đang tồn tại 12 điểm; Công ty Viễn thông Nam Định (VNPT Nam Định) còn tồn tại 40 điểm; Chi nhánh FPT Nam Định còn 3 điểm và Chi nhánh Mobiphone Nam Định còn 94 điểm. Điều này không chỉ gây gián đoạn dịch vụ, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ thông tin di động và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện quy hoạch hạ tầng viễn thông của tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp viễn thông đang khẩn trương đưa ra giải pháp kỹ thuật để tối ưu các vùng phủ, triển khai thiết bị để nhanh chóng phủ sóng tại các vùng “lõm sóng”. Trong đó giải pháp khắc phục tối ưu là tiến hành xây dựng trạm BTS tại những vị trí đã có quy hoạch. Trong trường hợp chưa kịp xây dựng trạm BTS thì bổ sung hạ tầng cáp quang để đảm bảo chất lượng đường truyền; chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông với các doanh nghiệp khác tại những điểm đã được đầu tư trạm BTS. Tuy nhiên quá trình các doanh nghiệp viễn thông tổ chức xây dựng, khắc phục vùng “lõm sóng” vẫn còn khó khăn do vướng mắc: về điều kiện pháp lý một số đơn vị xây dựng trạm không đúng quy hoạch, không đảm bảo an toàn kỹ thuật thiết bị; có nơi người dân sống quanh khu vực quy hoạch xây trạm phản đối, ngăn cản việc xây dựng trạm BTS do lo sợ sóng điện từ trường trong quá trình thu, phát sóng của trạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Bên cạnh đó thời gian qua do yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, một số địa phương thực hiện giãn cách nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình trạm viễn thông.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng “lõm sóng” trên địa bàn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng trạm BTS, Sở TT và TT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; quy định, quy chế ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, Sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với quy hoạch hạ tầng mạng viễn thông. Định kỳ tổ chức giao ban với Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông; phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong xây dựng trạm BTS.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc cần thiết xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông để người dân hiểu rõ, chấp thuận việc lắp đặt trạm BTS tại khu vực dân cư sinh sống. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, theo tinh thần Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11-11-2019 của Bộ TT và TT để khắc phục tạm thời tình trạng chậm xây dựng trạm BTS; đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, cảnh quan đô thị; tiết kiệm chi phí, cũng như đúng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh. Đối với một số vướng mắc liên quan đến điều kiện lắp đặt trạm, Sở TT và TT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố để thống nhất ý kiến trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông trong công tác xây dựng trạm BTS, khắc phục vùng “lõm sóng”.
Với cách làm đồng bộ trên có thể đạt mục tiêu đến hết năm 2021 toàn tỉnh khắc phục được vùng “lõm sóng” trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn, biên giới biển; phấn đấu đến đầu năm 2023, 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh; năm 2025 cơ bản mỗi hộ có một đường internet cáp quang siêu băng rộng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương