Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh được xây dựng và đưa vào vận hành tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn từ tháng 7-2018 với trên 1.740 DVCTT mức độ 2; 820 DVCTT mức độ 3 và liên tục cập nhật cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Mặc dù cung cấp đầy đủ các dịch vụ nhưng tỷ lệ khai thác, sử dụng DVCTT chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đến hết năm 2020, số thủ tục hành chính (TTHC) tiếp nhận trên Cổng cung cấp DVCTT mới đạt gần 30 nghìn hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ TTHC sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 mới đạt 1% trên tổng hồ sơ tiếp nhận. Tại các huyện, tỷ lệ hồ sơ sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 phát sinh rất ít, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Điều này dẫn đến lãng phí nhiều nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Cán bộ phụ trách bộ phận một cửa thị trấn Gôi (Vụ Bản) hướng dẫn người dân quy trình giải quyết thủ tục hành chính. |
Nguyên nhân của tình trạng chậm sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 do công tác tuyên truyền về việc cung cấp dịch vụ còn hạn chế. Một số địa phương chưa bố trí cán bộ chuyên trách trực tại bộ phận một cửa. Đặc biệt tâm lý của người sử dụng dịch vụ chưa sẵn sàng cho việc giao dịch trực tuyến. Do khả năng sử dụng tin học hạn chế, nên nhiều người dân còn e ngại việc đặt “lệnh” trên máy tính quá nhanh, không thể sửa chữa nếu lỡ nhầm… nên không yên tâm sử dụng các DVCTT, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến chế độ chính sách, đất đai, tài nguyên môi trường... Để thúc đẩy khai thác sử dụng DVCTT, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa để vừa tiếp nhận hồ sơ TTHC vừa tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng dịch vụ qua cổng cung cấp DVCTT; đồng thời trực tiếp hướng dẫn người dân làm TTHC qua Cổng DVCTT. Theo đó các sở, ngành, địa phương trong tỉnh kiện toàn lại nhân sự bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC một cửa do đồng chí lãnh đạo đơn vị, địa phương làm trưởng bộ phận để nâng cao vai trò, trách nhiệm, kịp thời khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân trên môi trường mạng. Đồng thời bố trí nhân sự trực, làm tại bộ phận một cửa đúng cơ cấu các chức danh gồm: Tư pháp - hộ tịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông Vận tải… tùy thuộc vào chức trách, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Cắt cử cán bộ, công chức hướng dẫn người dân các thao tác thực hiện DVCTT. Các Sở TT và TT, Nội vụ thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận một cửa kỹ năng triển khai DVCTT mức độ 3, 4; quy trình thực hiện DVCTT trên Cổng DVCTT và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; diễn tập toàn bộ quy trình thực hiện tạo tài khoản, nộp hồ sơ DVCTT, tập huấn kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, rèn luyện đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận một cửa. Cách làm này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, từng bước chuyên nghiệp hóa trong các hoạt động công vụ. Đến nay tại các bộ phận giao dịch hành chính một cửa ở trụ sở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có cán bộ, công chức trực hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC theo từng lĩnh vực, đón tiếp, hướng dẫn các bước giải quyết TTHC trực tuyến; hỗ trợ tra cứu bổ sung, sao chụp tài liệu và nộp hồ sơ DVCTT.
Tại huyện Giao Thủy, để khuyến khích thúc đẩy việc người dân thực hiện giao dịch hành chính bằng DVCTT, ngoài các biện pháp tuyên truyền, ngay trong đợt ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức cập nhật hoàn thiện hồ sơ cán bộ, viên chức, UBND huyện đã cử cán bộ bộ phận một cửa của huyện huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ hoàn thiện hồ sơ, TTHC bằng hình thức trực tuyến. Với số lượng viên chức đông nên quá trình triển khai hoạt động này vừa giúp gia tăng số lượng sử dụng DVCTT, vừa rèn luyện nghiệp vụ thành thục cho cán bộ chuyên môn. Tại xã Hồng Thuận, địa phương có dân số đông trên 10 nghìn người, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến làm TTHC. Do đó ngoài trang bị hệ thống máy tính có cấu hình cao, đáp ứng yêu cầu tích hợp các phần mềm dùng chung của tỉnh và huyện, UBND xã còn bổ sung kinh phí đầu tư thêm thiết bị và cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC cấp độ 3, 4. Đồng chí Nguyễn Viết Sự, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ở nông thôn, người dân còn khó khăn trong tiếp cận với internet và thao tác trên các thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính. Do vậy, cùng với tuyên truyền hướng dẫn trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động, phát tài liệu hướng dẫn sử dụng DVCTT, chúng tôi lựa chọn một số thủ tục dễ thực hiện, phát sinh nhiều hồ sơ để trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân cách tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến. Chỉ có cách làm cụ thể trực tiếp như vậy mới giúp người dân biết cách thực hiện và cũng nhận thấy rõ ưu điểm của cách làm này, từ đó tích cực ủng hộ, hợp tác.
Nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách bộ phận một cửa, đến hết năm 2021, trên 50% số lượng DVCTT của tỉnh thường xuyên phát sinh hồ sơ. Trên 859.600 hồ sơ TTHC các cơ quan Nhà nước tiếp nhận qua Cổng cung cấp DVCTT. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên Cổng cung cấp DVCTT đạt 99,87%. Bình quân một tháng, Cổng DVCTT của tỉnh phát sinh gần 5.000 hồ sơ TTHC mức độ 4 của người dân, doanh nghiệp. Nhiều lĩnh vực sử dụng DVCTT đạt kết quả cao như: Tư pháp - hộ tịch, đăng ký kinh doanh, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, TT và TT. Sử dụng DVCTT đem lại hiệu quả thiết thực cho cả người sử dụng dịch vụ, cơ quan cung cấp dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội văn minh hiện đại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương