Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã chuyển sang giai đoạn mới, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với các tiêu chí sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng hành cùng các hình thức sản xuất hiệu quả. Thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ từ việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức trong sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nhằm thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của tỉnh bền vững và hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định” từ năm 2021 đến năm 2023. Sau gần 6 tháng thực hiện, dự án đã đào tạo, tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ cho kỹ thuật viên của các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bống bớp toàn đực, nuôi ghép tôm sú với cá đối mục; các biện pháp phòng ngừa bệnh cho tôm, cá; sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng… Hiện tại, các hộ tham gia dự án đã đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị để xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp toàn đực và mô hình nuôi thương phẩm ghép tôm sú với cá đối mục. Dự án dự kiến sẽ đem lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, giúp cho Hội tiếp nhận nắm được quy trình công nghệ về nuôi thương phẩm cá bống bớp toàn đực và nuôi ghép cá đối mục với tôm sú quy mô đại trà để tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân vùng ven biển của tỉnh. Ngoài ra, thông qua dự án còn đào tạo được đội ngũ kỹ thuật viên chuyên sâu, nắm vững quy trình công nghệ mới làm nòng cốt cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản; đào tạo cho một số cá nhân tham gia dự án tiếp cận công nghệ mới mang ý nghĩa phát triển cộng đồng.
Mô hình tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Công ty TNHH Đình Mộc (Xuân Trường). |
Trong thời gian qua, Sở KH và CN đã ký hợp đồng với các viện, trường đại học thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật là đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện nông thôn mới Hải Hậu, tỉnh Nam Định” đã tập trung hệ thống hoá luận cứ khoa học và thực tiễn về phát triển các mô hình tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện Hải Hậu; đánh giá thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển các mô hình tổ chức sản xuất. Qua đó, bổ sung căn cứ khoa học, đề xuất các giải pháp huy động và phát triển các nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao KH và CN phục vụ phát triển các chủ thể chính của sản xuất nông nghiệp là kinh tế hộ nông dân, trang trại, các HTX, doanh nghiệp nhằm củng cố vững chắc các tiêu chí nông thôn mới của huyện Hải Hậu nói riêng và nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta nói chung. Sản phẩm của các đề tài, dự án trên đã giúp các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh không ngừng củng cố, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ. Các HTX đã tổ chức lại và đăng ký hoạt động theo Luật HTX 2012; đồng thời chủ động mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ để hỗ trợ thành viên. Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định” được thực hiện tại 3 huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Ý Yên với các nội dung đánh giá, phân tích thực trạng tích tụ đất đai phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ gia đình và xây dựng cánh đồng lớn. Kết quả, đề tài đã đề xuất giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất là: nghiên cứu ban hành giá đất nông nghiệp cho từng vùng, từng loại đất nông nghiệp cụ thể làm cơ sở cho người bán, người mua, người thuê đất xác định giá giao dịch phù hợp và khả thi; đẩy nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia trại, trang trại sau chuyển nhượng để tạo thuận lợi trong việc thế chấp vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất; khuyến khích các gia trại, trang trại, hộ sản xuất liên kết với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng nông sản có hợp đồng…
Từ kết quả, sản phẩm của các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trên đã góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số HTX tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất làm giảm giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm; một số HTX tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, từng bước nâng cao thu nhập cho HTX và các hộ thành viên. Cùng với việc chuyển đổi các HTX nông nghiệp, các cấp, các ngành và các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn và thực hiện nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cùng các địa phương đã kết nối doanh nghiệp với các HTX và nhóm hộ nông dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất, tập trung ruộng đất để hình thành một số mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa và mô hình kinh tế hợp tác. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được trên 30 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với HTX, doanh nghiệp với nông dân. Đã có 81 cơ sở, doanh nghiệp áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, VietGAP, GMP… Nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng đã giúp tiếp cận với thị trường tốt hơn, nâng cao giá trị thương mại.
Có thể nói, công tác nghiên cứu khoa học thời gian qua đã góp phần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ. Qua đó giúp nông dân khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất đai, hiệu suất lao động và tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh