Ý Yên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

08:10, 22/10/2021

Thời gian qua, để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, huyện Ý Yên đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), xem là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch và an toàn được hình thành, khẳng định thương hiệu nông sản địa phương, định vị được trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn.

Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Yên Dương.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Yên Dương. 

Các cơ quan khối nông nghiệp của huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT), Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh cùng các xã, thị trấn tổ chức gần 150 lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản cho gần 12 nghìn lượt nông dân. Qua đó, nhiều tiến bộ KHKT được nông dân, doanh nghiệp áp dụng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương tích cực đổi mới bộ giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh cơ giới hoá, thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển toàn diện, chuyển dịch nhanh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong lĩnh vực trồng trọt, Ý Yên đã tổ chức khảo nghiệm trình diễn nhiều giống cây trồng mới triển vọng như: giống lúa (Thiên ưu 8, Hoa ưu 108, TBR45, QR1, Bắc thơm số 7 KBL, TX111, Nhị ưu 64, Bắc ưu 903 KBL); giống lạc (L14, L18, L23, L17); giống khoai tây (Solara, Marabel, KT3, Diomond); giống ngô (LVN10, LVN20, C919, Nếp HN88 và các giống ngô ngọt 105, 103, Đường lai 10, Đường lai 20)... Từ đó, đã bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của huyện các giống có năng suất, chất lượng cao như: Giống lúa BC15, Thiên ưu 8, Lộc Trời 183; giống lạc L18, L23; giống ngô HN88; giống khoai tây Đức Solara, Marabel. Thông qua các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cơ giới hóa của tỉnh, đến nay doanh nghiệp, nông dân trong huyện đã đầu tư 2.150 máy làm đất, 259 máy gặt đập liên hợp, 13 kho lạnh bảo quản khoai tây giống, 3 máy sấy lúa, 1.350 máy bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện khâu làm đất và thu hoạch được cơ giới hóa 100%; khâu gieo cấy lúa đã chuyển sang hình thức gieo sạ trên 80% diện tích; cơ giới hóa trong gieo lạc đạt 75%. Thực hiện Dự án “Cơ giới hóa khâu cấy trong sản xuất nông nghiệp”, Phòng NN và PTNT huyện cùng các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn đầu tư cơ giới. Kết quả có 5 hộ đăng ký đầu tư 2 máy cấy ngồi, 3 máy cấy đi bộ với các dòng cấy 4 hàng, 6 hàng, 8 hàng của thương hiệu Kubota, Yanmar và trên 10 nghìn khay gieo mạ. Các chủ máy cấy không chỉ đảm bảo trên diện tích ruộng của gia đình mà còn thuê gom ruộng bỏ hoang để tăng diện tích sản xuất, đồng thời mở dịch vụ cấy thuê cho bà con nông dân trong và ngoài huyện. Ông Nguyễn Văn Thảo, chủ máy cấy ở xã Yên Phong cho biết: Trung bình 1 ngày máy có thể cấy 3-5 mẫu ruộng. Ưu điểm của việc cấy máy là giảm 10-15% lượng giống so với phương pháp cấy truyền thống; mật độ gieo cấy thưa, cây lúa quang hợp tốt, ruộng lúa thông thoáng hạn chế sâu bệnh phá hoại nhờ đó giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng và sức khỏe của người dân. So với phương pháp gieo thẳng và cấy truyền thống, lúa cấy bằng máy cấy nông đều, thưa hơn nên đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, trỗ tập trung, bông dài, to nên cho năng suất cao hơn từ 8-10%. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong trồng lúa ở Ý Yên đã góp phần rút ngắn thời vụ, khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng và tác động tích cực đến quá trình tích tụ ruộng đất cho phát triển cánh đồng lớn, sản xuất chuyên canh theo vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa. Huyện cũng xây dựng được các vùng trồng rau tập trung theo công nghệ Nhật Bản, VietGAP tại các xã Yên Dương, Yên Cường, Yên Mỹ; sản xuất khoai tây theo tiêu chuẩn VietGAP tại Yên Nhân và mô hình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại Yên Cường. Tại các vùng này, nhiều hộ nông dân đầu tư nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước tạo ra các sản phẩm rau, củ, quả “siêu sạch”.

Chăn nuôi cũng chuyển dịch sang quy mô trang trại, gia trại theo phương thức nuôi công nghiệp nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT về giống vật nuôi trong các khâu từ cải tạo thiết kế chuồng trại đến chăm sóc, xử lý chất thải... Nhiều trang trại áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như chuồng lồng, chuồng kín tự động đã điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, tăng mật độ nuôi. Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhất là trong các trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi như: công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, máy tách phân công nghệ biogas… đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn của bà Đinh Thị Nhuận (Yên Hồng) sử dụng hệ thống tách phân ép khô, phần nước thải từ chuồng nuôi được xử lý nhờ hệ thống bể biogas 3.000m3, bể lên men vi sinh, bể lắng sau đó mới thải nước ra môi trường; phân ép khô bán cho các hộ trồng hoa, rau màu các xã lân cận. Trong phát triển kinh tế thủy sản, huyện đã hình thành 6 vùng nuôi tập trung ở các xã Yên Trung, Yên Thọ, Yên Nhân, Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Chính. Đối tượng nuôi ngày càng đa dạng phong phú, gồm các loại cá truyền thống và nhiều loại giống thủy sản có giá trị cao như cá rô phi đầu vuông, ba ba, ếch, trạch sụn… Ngoài hình thức nuôi truyền thống trong ao, hồ, đầm, một số hộ dân ở xã Yên Phúc phát triển nuôi theo hình thức lồng bè trên sông quy mô trên 1.000 m3/hộ, lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/năm. Hiện huyện Ý Yên có 9 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 4 cơ sở trồng trọt, 5 cơ sở chăn nuôi; 18 sản phẩm nông nghiệp được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP như: lợn sạch Lam Sơn; gạo sạch Toản Xuân; bắp cải, cải bó xôi Nhật, khoai tây, su hào và cải ngọt Yên Cường…

Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, VietGAP, hữu cơ. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, áp dụng cơ giới hóa; sản xuất nông sản an toàn, các biện pháp thâm canh bền vững, giảm ô nhiễm môi trường. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung với mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại theo quy hoạch. Nhân rộng mô hình cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn sinh học; các mô hình chăn nuôi liên kết chuỗi. Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, những sản phẩm này sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu nông sản của Ý Yên với sức cạnh tranh cao trong tiến trình hội nhập thị trường khu vực và quốc tế./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com