Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) trực thuộc Sở KH và CN, là đơn vị sự nghiệp công lập, được thành lập hoạt động theo cơ chế tự chủ trên cơ sở hợp nhất từ 3 Trung tâm thuộc Sở KH và CN: Ứng dụng tiến bộ KH và CN; Thông tin và thống kê KH và CN; Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo Quyết định 1334/QĐ-UBND ngày 26-9-2019 của UBND tỉnh. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, Trung tâm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ để nâng cao tính cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ KH và CN.
Kiểm định công tơ điện tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ. |
Hiện nay, Trung tâm vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KH và CN với các hoạt động chính như: thông tin, thống kê KH và CN; nghiên cứu ứng dụng KH và CN; vận hành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến ndtex.vn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới quy trình quản trị, vận hành... Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện các dịch vụ KH và CN nhằm tăng nguồn thu như: dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; các dịch vụ nâng cấp, bảo trì, bảo mật hệ thống thiết bị máy tính; thiết kế các phần mềm chuyên dụng phục vụ KH và CN công tác quản lý, điều hành; đào tạo áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO. Nếu như trước đây, các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đều do các đơn vị công lập thực hiện thì hiện nay, nhiều đơn vị tư nhân cũng được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này. Điều đó tạo nên tính cạnh tranh, đòi hỏi Trung tâm phải có nhiều thay đổi để thu hút khách hàng, nhất là khi Trung tâm thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Đồng chí Vũ Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm cho biết: Đơn vị đã đầu tư, tăng cường tiềm lực theo Quyết định 317/QĐ-TTg. Tổ chức tốt hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trên địa bàn phục vụ công tác quản lý Nhà nước đồng thời chủ động mở rộng khai thác hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo nhiệt, đo độ dài, Xquang CT, công tơ điện, TI. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã kiểm định, hiệu chuẩn cho trên 13 nghìn phương tiện đo. Từ kết quả kiểm định, hiệu chuẩn đã loại bỏ 134 phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường. Trung tâm đã thử nghiệm chất lượng hàng hóa với 117 mẫu (đối tượng) được đo, thử nghiệm, góp phần đảm bảo minh bạch, công bằng trong giao dịch thương mại. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện đo lường cung cấp kết quả đo thể tích 32 tàu cát cho Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) xử lý việc khai thác cát trái phép.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ, KH và CN đã làm chủ, ứng dụng, chuyển giao cho người dân, doanh nghiệp nhiều công nghệ do đơn vị nghiên cứu, khảo nghiệm thành công như: công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, nấm ăn, nấm dược liệu; công nghệ nuôi cấy mô tế bào; công nghệ khí canh trong sản xuất khoai tây giống và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao; công nghệ sản xuất chế phẩm trừ rầy nâu, chế phẩm trừ sâu có nguồn gốc sinh học, chế phẩm xử lý môi trường, phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ… Hiện tại, Trung tâm đang chuẩn bị thực hiện các dự án: “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris tại tỉnh Nam Định” và “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và nuôi trồng nấm Vân Chi tại tỉnh Nam Định” nhằm chuyển giao công nghệ, tổ chức phát triển sản xuất nhân rộng các mô hình, tạo ra các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, nấm Vân Chi thương mại nhằm tăng nguồn thu, nâng cao tính tự chủ. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức 5 lớp tập huấn cho 250 học viên; phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn tại 3 huyện Xuân Trường, Ý Yên và Vụ Bản về quy trình sử dụng vi sinh trong bảo vệ môi trường, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai tây. Đồng thời hướng dẫn quy trình sản xuất, sử dụng chế phẩm vi sinh, EM, quy trình sản xuất nấm rơm, nấm sò cho các học viên. Trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức cho 100 lượt nông dân tham quan các cơ sở sản xuất nấm ăn và mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng tiến bộ KHCN tại Hưng Yên và Hà Nội; tham gia các gian hàng giới thiệu công nghệ, sản phẩm KH và CN tại sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các sự kiện KHCN khác như Tech DEMO, Techmart, Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ… Được tiếp nhận và vận hành Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến của tỉnh, Trung tâm đã vận động được 100 doanh nghiệp tham gia chào bán hơn 200 sản phẩm công nghệ, thiết bị. Việc vận hành tốt giúp Sàn giao dịch trở thành đầu mối, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển thị trường công nghệ tỉnh, tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp, nhà khoa học tương tác để đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất, chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị… nhằm tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN cũng vẫn gặp phải một số khó khăn như do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến nền kinh tế chung, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu làm dịch vụ đo lường, thử nghiệm của Trung tâm. Cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ đáp ứng được các hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội, một số công trình, hạng mục, thiết bị đã xuống cấp cần được đầu tư thêm cho phù hợp với quy mô, chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu phát triển mới. Nhân lực kỹ thuật, đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao của Trung tâm còn thiếu. Để khắc phục những khó khăn này, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nêu cao tính tự chủ, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đặc biệt là khai thác hết công năng của thiết bị đã được đầu tư, tránh lãng phí. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo đơn đặt hàng của Nhà nước theo đúng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh việc khai thác các thị trường dịch vụ đảm bảo mục tiêu tăng lợi nhuận cho Trung tâm./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh