Hơn chục năm trở lại đây, nghề nuôi tôm ở tỉnh ta phát triển khá ổn định, chú trọng chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh; hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện toàn tỉnh có 3.360ha nuôi tôm tại các huyện ven biển; trong đó có 2.300ha nuôi tôm sú và 1.060ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Để phát triển nuôi tôm bền vững, Sở NN và PTNT cùng chính quyền các địa phương phối hợp với các nhà cung cấp giống, thuốc thú y thủy sản tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi tôm cho nông dân. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường trong suốt quá trình nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). |
Hiện nay, ứng dụng cơ giới hóa cũng đang được người nuôi tôm đẩy mạnh, đặc biệt là khâu nâng cấp, cải tạo, vệ sinh ao, đầm trước mỗi vụ nuôi. Đối với các ao khô, các hộ nuôi thường sử dụng máy xúc cày xới, ủi lại đáy ao để thúc đẩy quá trình ô-xy hóa giúp phân hủy chất hữu cơ và hạn chế mầm bệnh, đồng thời làm đất thoáng khí hơn. Với những ao ướt, các hộ nuôi sử dụng máy bơm thủy lực và ống áp lực cao sục đáy ao, hút chất thải sang ao lắng để xử lý. Với sự hỗ trợ của thiết bị cơ giới, giúp người nuôi tôm giảm công lao động, rút ngắn thời gian chuẩn bị ao, đầm trước khi thả nuôi. Nếu như trước đây, các hộ nuôi chỉ sử dụng hệ thống quạt guồng nước làm tăng hàm lượng ô-xy trong ao thì hiện tại nhiều hộ còn sử dụng thiết bị sủi ô-xy dạng đĩa sục khí đáy trong những ao nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ lên tới 200-500 con/m2. Công ty TNHH Nuôi trồng và dịch vụ thủy sản Tuấn Nghĩa, xã Hải Chính (Hải Hậu) hiện nuôi khoảng 2ha tôm thẻ chân trắng với hệ thống 6 bể nuôi trong nhà. Anh Lê Đức Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết: Mỗi bể nuôi tôm có diện tích khoảng 300m2 được thiết kế 1 đĩa sục ô-xy đáy. Đĩa ô-xy này được cải tiến, mỗi khi máy sục hoạt động tạo thành luồng thổi dưới đáy đưa thức ăn dư thừa, chất thải của tôm vào xi phông hút ra ngoài. Việc sử dụng đĩa sủi ô-xy cải tiến tạo luồng giúp môi trường nuôi luôn sạch sẽ, tôm khỏe mạnh hơn và không bị dịch bệnh. Ngoài ra, một số chủ nuôi đã ứng dụng công nghệ cảm biến, lắp đặt camera kết nối với điện thoại thông minh để quản lý từ xa an ninh khu vực nuôi cũng như kiểm soát đối tượng nuôi, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong ao nuôi để có hướng xử lý phù hợp, kịp thời. Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), trong khoảng 2 năm trở lại đây, tất cả các hộ được phỏng vấn đều không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi mà thay vào đó là sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, kích thích tăng trưởng thức ăn tự nhiên như tảo, phù du, sinh vật nhỏ làm giảm chi phí thức ăn công nghiệp. Đồng thời bổ sung các loại vitamin, giải độc gan tăng sức đề kháng cho tôm, giúp môi trường nuôi bền vững và tạo ra các sản phẩm nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các phương thức nuôi cũng luôn được nông dân đổi mới không ngừng: từ nuôi ao chìm lót bạt đến nuôi ao nổi đáy xi măng; từ ao to chuyển sang chia ra nhiều ao, bể nhỏ; từ 1 giai đoạn sang 2-3 giai đoạn, thậm chí nhiều giai đoạn. Điển hình trong nuôi tôm hiệu quả là anh Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu) với hệ thống 80 bể xi măng nhỏ trong nhà lưới, nhà kính. Với mỗi bể 25m2, anh nuôi theo cách “thu tỉa”, từ mật độ ban đầu 400 con/m2 sau 2 tháng kích thước đạt mật độ 200 con/m2 anh san tiếp ra các bể khác nên tôm luôn đảm bảo kích cỡ, năng suất, lại không bị áp lực thu hoạch rộ, tiêu thụ số lượng lớn. Anh Cường chia sẻ: Sử dụng bể nhỏ giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh tôm hơn so với ao to. Khi thấy tôm bị bệnh, người nuôi có thể cách ly và tiêu hủy tôm bệnh nhanh chóng, không để lây lan rộng như nuôi thả ngoài ao. Bên cạnh đó, việc nuôi trong nhà lưới, nhà kính giúp người nuôi kiểm soát được nhiệt độ môi trường nuôi và chủ động về thời vụ. Mỗi năm anh Cường lãi gần 1 tỷ đồng từ nuôi tôm trong bể xi măng. Được Dự án Nông nghiệp Các bon thấp hỗ trợ xây dựng mô hình “nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn, giảm chất thải”, đến nay trang trại nuôi tôm của ông Nguyễn Lương Bằng, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) luôn đạt hiệu quả cao, đảm bảo môi trường nuôi. Ông Bằng cho biết, đây là quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, chia thành 3 giai đoạn, không sử dụng kháng sinh, lượng hóa chất sử dụng giảm. Nước thải được chuyển sang ao nuôi cá rô phi để xử lý, khi đạt tiêu chuẩn nước nuôi tôm sẽ được tái sử dụng trong ao nuôi nên lượng nước sử dụng cũng giảm đi, đồng thời giảm chất thải, áp lực ô nhiễm môi trường vùng nuôi so với phương pháp nuôi thâm canh thông thường.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng KHCN trong ngành nuôi tôm ở tỉnh ta vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Do tác động của dịch COVID-19 gây khó khăn trong việc xuất bán tôm thương phẩm, trong khi đó, giá giống, vật tư nuôi tôm tăng cao trong thời gian qua nên nhiều hộ nuôi tôm sản xuất cầm chừng, ngại đầu tư. Bên cạnh đó, việc người dân tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng an toàn còn hạn chế trong khi nhu cầu kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN nuôi tôm, nhất là công nghệ cao, là rất lớn. Nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với KHCN. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học trong nuôi tôm chưa được thông tin rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp và địa phương. Thời gian tới, ngành NN và PTNT tiếp tục chủ động hợp tác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học để lựa chọn chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y thủy sản, hỗ trợ nghiên cứu thị trường. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nước cấp, môi trường ao nuôi tôm. Xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nuôi tôm…
Phát triển nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu là định hướng đúng đắn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh