Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp gia tăng giá trị nông sản

07:06, 02/06/2021

Tình trạng “được mùa, mất giá” của nông sản nhiều năm qua đã gây thiệt hại tới người nông dân. Ở thời điểm thu hoạch rộ trong vụ đông 2020, giá các loại rau xanh giảm sâu và khó tiêu thụ khiến nhiều hộ nông dân trong tỉnh “lao đao”. Giải quyết tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn là bài toán khó đặt ra cho ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan hiện nay.

Nông dân xã Kim Thái (Vụ Bản) chăm sóc rau vụ đông (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Nông dân xã Kim Thái (Vụ Bản) chăm sóc rau vụ đông (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Người nông dân vẫn chưa quyết định được giá nông sản

Những ngày gần đây lượng rau, củ tiêu thụ tăng cao, giá cũng tăng cao như: cà chua 10-15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8-10 nghìn đồng/cây, bí xanh 7-10 nghìn/kg… Rau được giá, bà con nông dân hân hoan bắt tay vào trồng vụ mới. Song chỉ mới trước đây vài tháng giá rau xanh “rớt” thảm hại, tình trạng nhiều loại khiến nông dân phải “méo mặt”. Ông Trần Văn Chiến, khu 6, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) cho biết: Năm ngoái, giá cà chua bán ngay tại vườn cũng được khoảng 10 nghìn đồng/kg, có thời điểm còn cao hơn. Thấy vậy ông đã giảm diện tích cây khác chuyển sang trồng hơn 1ha cà chua trong vụ đông 2020. Nhờ thuần thục kỹ thuật nên cà chua sinh trưởng tốt, quả đều và nhiều khiến ông tưởng vụ này trúng lớn song nào ngờ quả ngọt thành “trái đắng”… Thực tế cho thấy, một tình trạng lặp lại nhiều năm qua trong sản xuất rau màu khi nông dân thấy vụ này giá một số loại rau quả tăng vụ sau lập tức sản xuất ồ ạt không cần để ý quy luật thị trường hay năng lực, kênh tiêu thụ, quy hoạch. Khâu quản lý, sản xuất ở cơ sở cũng hạn chế. Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, đây là hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp còn manh mún, việc xây dựng kế hoạch, liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ và khâu chế biến còn yếu. Mặc dù tỉnh đã quy hoạch, trong đó có tính đến yếu tố cung cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng việc kiểm soát thực hiện quy hoạch là rất khó khăn. Có quá nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất, mà quy mô chủ yếu là nhỏ lẻ khiến việc tính toán, điều tiết để cân đối hoàn toàn giữa nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất là điều không hề đơn giản. Ngoài những nguyên nhân thuộc về sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thì hệ thống tổ chức thị trường của tỉnh cũng chưa tốt dẫn đến giá bán sản phẩm do nông dân làm ra nhưng lại phụ thuộc vào thương lái. Người nông dân sản xuất luôn chịu thiệt, bị “ép cấp, ép giá”, và bài ca “được mùa, mất giá” cứ lặp đi lặp lại. Tỉnh cũng chưa có nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ ứng dụng trong chế biến nông sản, thực phẩm nên tình trạng thương lái ép giá, nhất là các mặt hàng tươi sống, hoa, rau, quả vẫn thường xuyên xảy ra. Người sản xuất do vậy ít có lợi nhuận để tích lũy vốn, dè dặt chậm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ít quan tâm tìm hiểu thông tin thị trường trước khi đầu tư sản xuất ồ ạt số lượng lớn.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, hạn chế cảnh phải giải cứu nông sản, cần đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình phương thức liên kết theo chuỗi bám sát thị trường, gắn sản xuất với chế biến nông sản. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh sản xuất hàng hóa lớn, có cạnh tranh về mặt chất lượng để đáp ứng các mục tiêu: giảm giá thành, sản xuất được quy mô hàng hóa lớn, đồng đều về mặt chất lượng và kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những mô hình liên kết tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thời gian qua là cơ sở sản xuất gia vị Quang Minh, thôn Phận, xã Yên Bằng (Ý Yên) đầu tư liên kết với nông dân trong thôn trồng ớt, cà chua và chế biến tương ớt, sa tế, tương đen, dấm theo tiêu chuẩn GMP và SOP (hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, vệ sinh chuẩn). Mỗi tháng, cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 20 tấn tương ớt, 3 tấn sa tế, 1 tấn tương đen… Trong khi nông dân ở các vùng “lao đao” về giá rau, củ, quả, “bế tắc” đầu ra nhưng các hộ tham gia mô hình vẫn “sống khỏe”. Từ thực tiễn kinh nghiệm giải cứu nông sản của các địa phương thời gian qua, Cục Xúc tiến Thương mại đã làm việc với một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước như Lazada, Tiki để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã và người nông dân; đồng thời làm việc với một số sàn TMĐT quốc tế Alibaba.com và Amazon.com để xúc tiến xuất khẩu và đã có những kết quả tích cực. Đây là một trong các giải pháp để các cấp, ngành liên quan trong tỉnh tham khảo, nghiên cứu áp dụng trên địa bàn nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời gian tới ngoài kênh mua bán truyền thống. Bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, người nông dân là chủ thể sản xuất cũng cần phải thay đổi tư duy, thói quen trong kế hoạch sản xuất của mình. Đặc biệt, trong thời đại 4.0 người nông dân phải nỗ lực khai thác thế mạnh của công nghệ số để tiếp cận nắm bắt thông tin trong sản xuất nông nghiệp. Hình thành thói quen tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm cũng như vấn đề quy hoạch trước khi tiến hành “trồng cây gì, nuôi con gì” để tránh sản xuất ồ ạt tự phát cung vượt quá cầu, tự làm khó mình. Đồng thời, cần phải quyết tâm đầu tư đổi mới công nghệ làm nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là giải pháp then chốt, trọng tâm. Bởi ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức của sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên thay đổi, ô nhiễm… Các tiến bộ kỹ thuật ưu việt như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được một số bất lợi như tính mùa vụ, lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản, làm cơ sở để người sản xuất được quyền định đoạt giá sản phẩm của mình bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp thời gian tới, tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành liên quan tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu, tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với các hệ thống tiêu thụ. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành. Tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com