Trực thăng NASA cất cánh thành công trên sao Hỏa

06:04, 27/04/2021

Trực thăng Ingenuity của NASA bay trên sao Hỏa hôm 19/4, hoàn thành chuyến bay có động cơ đầu tiên ngoài Trái Đất.

Mẫu trực thăng nặng 1,8 kg khởi động cánh quạt và bay lên cao dần ở miệng hố Jezero của sao Hỏa vào sáng sớm ngày 19/4, đạt độ cao tối đa 3 m và hạ cánh sau khoảng 40 giây. Cùng ngày, dữ liệu truyền từ Ingenuity về Trái Đất thông qua robot tự hành Perseverance xác nhận phương tiện bay thành công. Bức ảnh đầu tiên từ Ingenuity ghi hình chiếc bóng của trực thăng in lên bề mặt sao Hỏa bên dưới, trong khi đó robot Perseverance cũng quay lại chuyến bay lịch sử từ khoảng cách an toàn.

Trực thăng NASA cất cánh thành công trên sao Hỏa
Trực thăng NASA cất cánh thành công trên sao Hỏa.

Dù khá ngắn, chuyến bay có thể mở đường cho hoạt động khám phá sao Hỏa bằng máy bay. Nhờ thành công đột phá của Ingenuity, những nhiệm vụ tương lai có thể sử dụng trực thăng để dẫn đường cho robot tự hành hoặc tự thu thập dữ liệu.

Đội kỹ sư nòng cốt phía sau dự án Ingenuity theo dõi chuyến bay từ phòng điều khiển nhiệm vụ thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California. Khi chuyến bay được xác nhận thành công, họ liền đứng bật dậy vỗ tay hò reo.

Nhiệm vụ trị giá 85 triệu USD của Ingenuity nhằm biểu dương công nghệ, chứng minh bay bằng động cơ có thể khả thi trên hành tinh đỏ. Đây là một thách thức lớn bởi khí quyển sao Hỏa chỉ đặc bằng 1% so với khí quyển Trái Đất ở mực nước biển, vì vậy không có nhiều không khí để cánh quạt trực thăng hoạt động. Tuy nhiên, phương tiện có thể tận dụng lực hấp dẫn nhỏ hơn (chỉ bằng 38% so với Trái Đất) của sao Hỏa.

Ingenuity được gắn ở bụng robot Perseverance trong hành trình bay tới sao Hỏa, hạ cánh bên trong miệng hố Jezero cùng với robot 2,7 tỷ USD hôm 18/2. Hồi đầu tháng, mẫu trực thăng hoạt động nhờ năng lượng Mặt Trời được thả xuống nền hố và bắt đầu chuẩn bị cho các đợt bay kéo dài một tháng. Đợt bay này không tập trung vào thu thập dữ liệu. Ingenuity không trang bị thiết bị khoa học, dù lắp một camera định vị chụp ảnh đen - trắng và máy chụp màu 13 megapixel.

Chiếc trực thăng cao 48 cm vượt qua những kiểm tra trước chuyến bay nhưng gặp vấn đề ở thử nghiệm quay hai rotor dài 1,2 m ở tốc độ cao hôm 9/4. Các cánh quạt bằng sợi carbon cần quay ở tốc độ khoảng 2.400 vòng mỗi phút như lúc bay vận hành trong khi Ingenuity đang đậu trên mặt đất. Nhưng đồng hồ căn giờ ở trực thăng bị trục trặc và không thể chuyển sang chế độ bay theo yêu cầu trong thử nghiệm.

Ban đầu, nhóm kỹ sư phụ trách dời lịch bay tới ngày 14/4, nhưng phải trì hoãn thêm vài ngày để khắc phục vấn đền. Hôm 17/4, MiMi Aung, quản lý dự án Ingenuity, thông báo họ đã tìm ra giải pháp thông qua điều chỉnh chuỗi câu lệnh truyền từ Trái Đất và ấn định chuyến bay đầu tiên vào ngày 19/4. Ingenuity cất cánh như dự kiến với chuỗi câu lệnh đã điều chỉnh, trở thành robot đầu tiên bay trong khí quyển mỏng chứa đầy bụi của sao Hỏa.

Theo kế hoạch, Ingenuity sẽ bay tiếp sớm, thực hiện thêm 4 chuyến bay trong thời gian một tháng. Chiếc trực thăng nhiều khả năng sẽ bay cao hơn và xa hơn trong chuyến bay số 2 và 3, cách mặt đất 5 m và bay xa 50 m.

Perseverance sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong suốt đợt bay. Tất cả liên lạc đến và đi từ Ingenuity đều phải thông qua robot tự hành. Nhưng đợt bay này sẽ kết thúc sau một tháng bởi Perseverance cần tập trung vào nhiệm vụ của nó, bao gồm tìm kiếm bằng chứng của sự sống cổ đại trên sao Hỏa ở đáy miệng hố Jezero rộng 45 km và thu thập hàng chục mẫu vật. Những mẫu vật đó sẽ được đưa về Trái Đất trong nhiệm vụ hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), diễn ra sớm nhất vào năm 2031.

Theo vnexpress.net



Khám phá bản đồ sao chi tiết

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com