Thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới

06:04, 30/04/2021

Khoa học và công nghệ (KH và CN) là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Do vậy để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và vững chắc tất yếu phải quan tâm đầu tư cho KH và CN. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, sự đồng hành của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân lĩnh vực KH và CN của tỉnh đã có sự phát triển đạt kết quả đáng khích lệ.

Tham quan mô hình trình diễn giống lúa HĐ9 của Công ty TNHH Cường Tân tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Tham quan mô hình trình diễn giống lúa HĐ9 của Công ty TNHH Cường Tân tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Sự thay đổi mạnh mẽ trong phát triển KH và CN phải kể đến việc các sở, ngành, địa phương đã chung tay cùng ngành KH và CN từng bước tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang thông thoáng hơn cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, đưa KHCN đồng hành với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, ngành KH và CN đã thực hiện 120 đề tài, dự án KH và CN trong các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, y dược, công nghệ thông tin, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật dân dụng… Nhiều đề tài, dự án hướng vào ứng dụng nhanh, rộng rãi và có hiệu quả các tiến bộ KH và CN vào thực tiễn như: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Đề xuất giải pháp thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm OCOP”; “Nghiên cứu phát triển sản xuất đậu tương theo hướng sử dụng làm dược liệu tại tỉnh Nam Định”; “Phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh”; “Điều tra đánh giá hiện trạng đê kè biển Nam Định, phân tích ưu nhược điểm của các kết cấu bảo vệ bờ biển, đề xuất giải pháp xử lý các hỏng hóc và kết cấu bảo vệ hợp lý cho xây dựng mới”; “Xây dựng mô hình áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trên môi trường mạng (ISO điện tử)”... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, Sở KH và CN đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp nhận làm chủ và ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã được hướng dẫn thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Hàng năm, Sở KH và CN phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn về phát triển doanh nghiệp KHCN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Trong số 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là Công ty CP Giống cây trồng Nam Định và Công ty TNHH Cường Tân. Hiện Công ty CP Giống cây trồng Nam Định có 2 giống lúa thuần là Nam Định 5 và LP5; Công ty TNHH Cường Tân có 8 giống lúa TH3-3, M1-NĐ, CS6-NĐ, CT16, Hồng Đức 9, Hương Cốm, Hương Cốm 4, TH3-7 được hình thành từ kết quả nghiên cứu ứng dụng KH và CN vào sản xuất. Đây là các giống lúa đang được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tích cực đón nhận, đóng vai trò là nguồn thu chủ lực của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phối hợp cùng nông dân thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị nông sản và khẳng định “vị thế” gạo Nam Định! Đi đầu là Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo với công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á, đồng hành cùng nông dân xây dựng thành công thương hiệu gạo sạch Nam Định, được Bộ NN và PTNT công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là thành quả của các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, quy trình canh tác lúa “3 giảm - 3 tăng”, chương trình SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến)… nâng cao kỹ thuật thâm canh; tiết kiệm nước, phân bón; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả được các ngành KH và CN, NN và PTNT xây dựng trong 10 năm qua.

Đặc biệt thời gian qua, ngành KH và CN đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Sở KH và CN hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các huyện duy trì, cải tiến và chuyển đổi sang phiên bản hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015; triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các xã, phường, thị trấn. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc sở; UBND các huyện, thành phố và 140/226 xã, phường, thị trấn xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống này vào các hoạt động của đơn vị mình. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất. Các lĩnh vực quản lý Nhà nước về KH và CN như: quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra chuyên ngành được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tính pháp chế, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp; nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Từ Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định KH và CN thực sự là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức. Quan điểm này tiếp tục được duy trì nhất quán tại Đại hội XIII của Đảng. Đối với tỉnh ta Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng nhấn mạnh vai trò, yêu cầu của giải pháp phát triển KHCN. Đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Thời gian tới, ngành KH và CN tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ KH và CN; hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Trong đó chú trọng thúc đẩy ứng dụng KH và CN trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; xây dựng đô thị thông minh, vùng kinh tế biển và nông thôn kiểu mẫu. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương để hỗ trợ xuất khẩu. Nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp; từng bước hình thành và phát triển thị trường KH và CN phục vụ chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoàn thiện xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính Nhà nước để đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiếp tục xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở KH và CN gắn với việc hình thành các doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com