Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định trong phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN), song so với tiềm năng thì số lượng doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh còn quá ít. Các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển doanh nghiệp KH và CN.
Là doanh nghiệp thứ 3 của tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH và CN, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định có 2 sản phẩm là giống lúa thuần Nam Định 5 và giống lúa thuần LP5 được hình thành từ kết quả ứng dụng KH và CN vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong đó giống lúa thuần Nam Định 5 được Công ty phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) tuyển chọn từ nguồn giống Tám xoan Hải Hậu sử dụng phương pháp đột biến và nuôi cấy mô sẹo từ năm 2005, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) công nhận chính thức năm 2012. Giống lúa thuần LP5 được Công ty chọn tạo từ nguồn vật liệu khởi đầu có nguồn gốc từ Trung Quốc bằng phương pháp chọn lọc cá thể, được Bộ NN và PTNT công nhận chính thức từ năm 2019. Đây là 2 giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng gạo ngon hiện đang được nông dân trồng lúa tại các vùng Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc tích cực đón nhận. Chỉ tính riêng doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh 2 sản phẩm KH và CN này tỷ lệ đã chiếm trên 30% tổng doanh thu của Công ty.
Mô hình công viên bãi rác của Công ty TNHH Tân Thiên Phú tại thị trấn Xuân Trường. |
Ngay khi Chính phủ ban hành chủ trương về phát triển doanh nghiệp KH và CN, Sở KH và CN đã tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thành lập doanh nghiệp KH và CN, lập hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Đặc biệt, hàng năm, Sở KH và CN phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn về phát triển doanh nghiệp KH và CN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Qua đó nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp KH và CN, cũng như cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và các thủ tục hành chính trong đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Đến nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KH và CN. Trong đó có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định và Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh); 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo là Công ty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường). Tuy nhiên, so với con số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh thì đây là con số khá khiêm tốn. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bản chất hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu KH và CN mang tính rủi ro cao. Việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng KHCN để đạt giá trị kinh tế đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực tài chính, trường vốn... Các doanh nghiệp của tỉnh phần lớn là ở quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên chưa mạnh dạn đầu tư cho KH và CN. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH và CN chưa thực sự hấp dẫn; điều kiện, thủ tục để được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi còn ngặt nghèo, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng chí Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Ngày 2-3-2020 Bộ KH và CN đã có Công văn số 533/BKHCN-PTTTDN về việc hướng dẫn triển khai ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp KH và CN, song đến nay các doanh nghiệp KH và CN của tỉnh vẫn chưa tiếp cận và thụ hưởng chính sách ưu đãi này. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp KH và CN ở các địa phương chưa được hướng dẫn để tiếp cận và hưởng ưu đãi tín dụng từ quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Hiện nay, Sở KH và CN đã đề nghị Bộ KH và CN xem xét sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 13/2019/NĐ-CP đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH và CN đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ưu tiên xác lập quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng miễn phí máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ… để các doanh nghiệp thuận lợi trong việc triển khai và hưởng ưu đãi. Các bộ, ngành liên quan có các hướng dẫn để các doanh nghiệp KH và CN có thể tiếp cận hưởng chính sách ưu đãi tín dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất, kinh doanh từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, các Quỹ phát triển KH và CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ” - Phó Giám đốc Trần Huy Quang cho biết thêm.
Từ thực tiễn trên, để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH và CN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành chức năng, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp: Xác định phát triển doanh nghiệp KH và CN ở từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải gắn bó chặt chẽ với tái cơ cấu nền kinh tế; gắn số lượng với chất lượng, làm cho doanh nghiệp KH và CN thực sự trở thành nền tảng, động lực phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Thường xuyên đánh giá và cập nhật nhanh cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn của sự phát triển. Sở KH và CN tổ chức khảo sát, phân loại các tổ chức, cá nhân hoạt động KH và CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH và CN. Xây dựng cơ sở dữ liệu về việc thành lập, số lượng, tình hình hoạt động và phát triển doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp KH và CN tiềm năng trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng các nguồn lực KH và CN để hỗ trợ các doanh nghiệp KH và CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ và ứng dụng công nghệ thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh cung cấp các thông tin về công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc cho các doanh nghiệp KH và CN của địa phương. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp KH và CN hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế, tín dụng, thuê đất... Về phía doanh nghiệp cũng cần chuyển biến nhận thức về phát triển KH và CN, xem đầu tư cho KH và CN là nền tảng của sự phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, doanh nghiệp KH và CN./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh