Lần đầu tiên có thể thu thập DNA của cơ thể sống thông qua không khí

06:04, 20/04/2021

Kỹ thuật thu thập mẫu DNA trong không khí hứa hẹn sẽ mở ra một hướng tiếp cận mới trong điều tra pháp y, thậm chí nghiên cứu các căn bệnh lây truyền qua đường không khí như Covid-19.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Queen Mary, London, Anh Quốc đã lần đầu tiên chứng minh, họ có thể thu thập DNA của động vật để lại ngoài môi trường thông qua đường không khí.

eDNA là một công cụ được các nhà khoa học sử dụng để xác định các loài được tìm thấy trong các môi trường khác nhau.
eDNA là một công cụ được các nhà khoa học sử dụng để xác định các loài được tìm thấy trong các môi trường khác nhau.

Theo nhóm nghiên cứu, thành công này mở ra tiềm năng cho nhiều ứng dụng sinh thái, sức khỏe và pháp y mới (eDNA). Cụ thể các nhà nghiên cứu cho biết, các sinh vật sống như thực vật và động vật thường sẽ thải các DNA của chúng ra môi trường xung quanh khi chúng tiếp cận với môi trường.

eDNA là một công cụ được các nhà khoa học sử dụng để xác định các loài được tìm thấy trong các môi trường khác nhau. Một loạt các mẫu môi trường đã được đề xuất làm nguồn cho eDNA, bao gồm đất và không khí nhưng hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào việc thu thập eDNA từ nước.

Trong nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học đã tập trung xác định xem eDNA có thể thu thập được từ các mẫu không khí và sử dụng để xác định các loài động vật hay không.

Sau đó họ đã lấy mẫu không khí từ một căn phòng có chuột chũi và sử dụng các kỹ thuật hiện có để kiểm tra trình tự DNA trong mẫu không khí. Sau khi lấy mẫu, họ ngạc nhiên khi phát hiện thấy sự tồn tại của DNA chuột chũi trong căn phòng. Điều thú vị là các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy DNA của con người trong các mẫu không khí, mang tới khả năng ứng dụng cao trong ngành pháp y.

Tiến sĩ Elizabeth Clare, giảng viên cao cấp tại Queen Mary cho biết: "Ở đây chúng tôi đã lần đầu tiên cung cấp bằng chứng cho thấy eDNA của động vật có thể thu thập được qua không khí. Nó mở ra những cơ hội mới, giúp khám phá những cộng đồng sinh vật khó tiếp cận trong hang động và hang hốc".

Hiện các nhà nghiên cứu đang hợp tác, trao đổi thông tin với nhiều đối tác gồm cả một công ty có tên là NatureMetrics, để sớm đưa các ứng dụng tiềm năng của công nghệ này vào cuộc sống. Họ tin rằng đây mới chỉ  bước khởi đầu cho những nỗ lực xa hơn.

Công nghệ phát hiện ADN trong không khí hứa hẹn mang tới những ứng dụng tiềm năng trong ngành pháp y, nhân chủng học và y học. Kỹ thuật này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự lây truyền các bệnh qua đường không khí như Covid-19. Hiện tại, các hướng dẫn giãn cách xã hội chỉ mang tính ước lượng khả năng di chuyển của các hạt chứa virus có thể di chuyển bao xa. Tuy nhiên, kỹ thuật mới có thể giúp lấy mẫu không khí và xác định chính xác xem không gian xung quanh đó chứa virus SARS-CoV2 hay không.

Theo khoahoc.tv



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com