Những năm qua, nông dân tại các vùng trồng hoa, cây cảnh trong tỉnh đã tích cực đầu tư công nghệ, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Nông dân xã Kim Thái (Vụ Bản) chăm sóc cây hoa cúc. |
Với kinh nghiệm lâu năm của người làm vườn, ông Đoàn Xuân Thiểm, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) ứng dụng thành công trong việc nhân cấy, lai ghép cây ăn quả bưởi Diễn làm cây cảnh. Ông Thiểm cho biết: Để có được những cây bưởi cảnh đẹp mắt với những quả chắc chắn, căng mọng cung ứng cho thị trường, thời gian cấy ghép khoảng nửa năm từ thời điểm quả còn nhỏ. Các công đoạn chăm sóc đòi hỏi kỹ thuật cao, tuân thủ theo đúng chu kỳ sinh học, đủ chất dinh dưỡng nuôi cây và duy trì quả phát triển. Đến nay ông Thiểm đã nhân được gần 100 chậu bưởi cảnh. Bình quân mỗi chậu bưởi có giá từ 3-5 triệu đồng, những cây to và đẹp giá có thể lên đến 7-10 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm ông lãi trên 200 triệu đồng. Việc ứng dụng thành công công nghệ ghép mắt bưởi cảnh đã mở hướng sản xuất mới cho nông dân khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới tưới béc phun mưa, anh Khổng Quang Toản, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) cũng đang thành công với mô hình trồng hoa, cây cảnh theo phương pháp 3 giai đoạn. Hiện trang trại trồng hoa cây cảnh của anh trồng khoảng 20 nghìn chậu hoa, cây cảnh trang trí như: đế vương, ngũ gia bì, vạn niên thanh, lưỡi hổ vàng, trúc nhật, yến thảo, ngọc thảo, thược dược, hoa hồng, lá màu, hoa ngũ sắc, dâm bụt, hoa giấy… Ở giai đoạn gieo ươm, anh Toản trồng cây trong nhà màng để tránh mưa rào, nắng nóng bảo vệ cây non. Giai đoạn phát triển thân và lá cây được chuyển sang nhà lưới để tăng cường độ ánh sáng mạnh trực tiếp giúp cây dần thích nghi với điều kiện ở ngoài trời. Giai đoạn cây trưởng thành, chuẩn bị ra hoa chuyển hẳn ra ngoài, chăm sóc cho cây thuần thục với điều kiện thời tiết tự nhiên trước khi xuất đến tay người tiêu dùng để cây chơi được bền, hoa tươi lâu hơn. Anh Toản cho biết: Việc trồng toàn bộ trong chậu và áp dụng công nghệ tưới phun mưa giúp người trồng kiểm soát được độ ẩm trong đất, dinh dưỡng, dịch bệnh và dễ dàng điều chỉnh mật độ cây trồng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, chủ động toàn bộ các khâu sản xuất từ cây giống đến cây thành phẩm và bố trí công thức trồng gối lứa liên tục, mỗi năm trang trại trồng hoa, cây cảnh của anh Toản cho doanh thu bình quân 800 triệu đồng, lãi gần 400 triệu đồng.
Để đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh, các sở, ngành có liên quan đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam)… tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăm bón, cấy ghép cây cảnh và chuyển giao công nghệ trồng hoa cao cấp cho nông dân. Đồng thời đưa các giống hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao vào trồng tại các địa phương như: hoa ly, hoa lan, hoa thược dược, hoa cát tường, hoa dơn; cây bưởi cảnh, cây đào thế, cây muồng hoàng yến, cỏ Nhật trang trí… góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Trong năm 2020, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN (Sở KH và CN) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức cho hơn 40 nông dân trong tỉnh tham quan tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh. Tại đây, đoàn được giới thiệu các quy trình kỹ thuật nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô cải tiến trên các loại hoa cúc, đồng tiền, lan hồ điệp, cẩm chướng... và các quy trình điều tiết nở hoa theo ý muốn bằng các biện pháp cơ lý, hóa học và dinh dưỡng giúp tăng hiệu quả sản xuất hoa lên 20-30% so với cách làm thông thường. Qua tham quan và kết nối, theo kế hoạch trong năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh sẽ giúp một hợp tác xã của tỉnh xây dựng nhà lưới đạt chuẩn trồng hoa lan hồ điệp theo quy trình công nghệ cao. Đến nay, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong từng công đoạn chăm sóc hoa, cây cảnh như: kỹ thuật nhân giống, ghép cành, tỉa cây, tạo thế; sử dụng đèn thắp sáng ruộng hoa ban đêm giúp cây quang hợp mạnh, lớn nhanh, khỏe, không phân cành trong quá trình phát triển; dùng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ tưới để kích thích cây ra hoa đúng thời điểm; sử dụng công nghệ cấy ghép mắt đối với hoa đào, bưởi cảnh… Qua đó góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh hoa, cây cảnh theo thế mạnh của mỗi địa phương. Điển hình như: vùng trồng hoa cúc ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); vùng trồng hoa, cây cảnh ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định); vùng trồng cây cỏ Nhật trang trí ở xã Nam Thắng (Nam Trực); vùng trồng quất, đào ở xã Hải Tân (Hải Hậu)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh của tỉnh còn những khó khăn như các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Các cơ sở trồng hoa mới chỉ chủ yếu sơ chế đơn giản mà chưa chú trọng đến ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản hoa. Công tác tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tế. Chưa có nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp… Để tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa cây cảnh, thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết với các viện, trung tâm nghiên cứu tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn để giúp nông dân học tập, áp dụng vào sản xuất. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, từng bước gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghệ bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng hoa, cây cảnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh