Trong xu thế nền kinh tế nước ta đang từng bước hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng là yêu cầu cấp thiết, cần có những bước đi kịp thời, phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Việc ứng dụng CNTT tạo ra những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ rút tiền bằng mã QR tại ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định. |
Thời gian qua, hệ thống các ngân hàng đã xây dựng được hạ tầng kỹ thuật CNTT tương đối hiện đại và đồng bộ, kết nối hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng với các hoạt động quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, định hướng việc ứng dụng CNTT tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Nổi bật là việc triển khai ứng dụng các công nghệ số của các ngân hàng như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Hiện tại, hầu hết kênh phân phối, tiếp cận người tiêu dùng được các ngân hàng sử dụng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội... Nhờ việc ứng dụng công nghệ này mà các ngân hàng hiểu rõ hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định thử nghiệm mô hình kinh doanh số; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định sẽ triển khai dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Bắc Nam Định xây dựng kho dữ liệu lớn, tích hợp các dịch vụ tài chính khác như vay mua bất động sản, nhà, ô tô, kinh doanh nhỏ lẻ, bảo hiểm; Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh với ứng dụng giáo dục tài chính hướng dẫn các đối tượng chính sách nâng cao năng lực tài chính, tiếp cận nhanh hơn với các gói vay ưu đãi... Ngoài ra, các giải pháp dịch vụ ngân hàng điện tử (E-Banking) cũng được các ngân hàng phát triển để mở rộng nền tảng khách hàng như: chuyển tiền qua mạng xã hội; rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ; phát triển kênh chat trực tuyến (Live Chat) nhằm hỗ trợ cho khách hàng… Đến nay, hầu hết các ngân hàng đều xây dựng và phát triển một ứng dụng Mobile Banking riêng. Đồng thời, khuyến khích khách hàng sử dụng thường xuyên Mobile Banking, Internet Banking thay vì thực hiện giao dịch tại quầy. Hoạt động thanh toán phát triển cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, vì vậy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và internet. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cũng giúp các ngân hàng phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng có chiều sâu hơn nhu cầu của khách hàng như đặt vé máy bay/tàu/xe, đặt phòng khách sạn, đặt vé xem phim, mua sắm trực tuyến… Công tác an ninh, an toàn, bảo mật của hệ thống CNTT của các ngân hàng luôn được chú trọng nhằm đảm bảo hoạt động của toàn bộ hệ thống được liên tục, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo với nhiều công nghệ bảo mật như mã OTP, bảo vệ sinh trắc học (Quét dấu vân tay, khuôn mặt). Ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng luôn được cập nhật và nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về CNTT. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các giao dịch trực tuyến trở nên quan trọng. Các ngân hàng đã nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, giao dịch từ xa. COVID-19 và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra bước nhảy vọt trong thanh toán không dùng tiền mặt. Bước đầu ngân hàng đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận trong thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ công như thu ngân sách Nhà nước, thu thuế điện tử, 70% khách hàng sử dụng điện đã thanh toán tiền điện qua ngân hàng, 5.515 khách hàng hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đã trả tiền nước qua dịch vụ thu hộ của ngân hàng…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn hoạt động ứng dụng CNTT trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng còn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: ứng dụng CNTT trong nâng cao năng lực quản trị điều hành cũng như kiểm soát rủi ro về vốn còn nhiều hạn chế. Việc triển khai các dự án CNTT ở một số một số ngân hàng còn bị kéo dài do chưa thực sự được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Hệ thống ngân hàng lõi truyền thống phức tạp đang là rào cản lớn đối với ngân hàng số. CNTT lỗi thời với cấu trúc không linh hoạt và hoạt động nguyên khối cũng đang cản trở các ngân hàng phát triển lên ngân hàng số, việc thay đổi hệ thống rất phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí. Sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động. Các ngân hàng hiện còn thiếu hụt về nhân lực CNTT trình độ cao; một số ngân hàng chưa có chính sách ưu tiên, đãi ngộ xứng đáng nhân lực này.
Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số để từng bước hiện đại hóa, hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tăng tỷ trọng dịch vụ phi tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự minh bạch. Đẩy mạnh nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới theo thiết kế của ngân hàng số, với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, tự động hóa xử lý và kiểm soát rủi ro, gian lận dựa trên các công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và robot tự động, để hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành, kinh doanh và phòng ngừa rủi ro, đáp ứng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn về vốn theo thông lệ quốc tế. Tăng cường đảm bảo an toàn an ninh mạng. Xây dựng chiến lược phát triển CNTT theo hướng chuyên nghiệp hóa; đồng thời, xây dựng cơ chế chi trả lương phù hợp để thu hút nguồn nhân lực CNTT, đảm bảo phù hợp với năng lực trình độ, cống hiến và gắn bó lâu dài với ngân hàng. Mở rộng mạng lưới kênh dịch vụ truyền thống kết hợp với phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán qua QR Code, máy ATM thế hệ mới (Auto Bank) đa chức năng như một phòng giao dịch ngân hàng... phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh, an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý. Tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty CNTT trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, cập nhật các xu thế phát triển CNTT phù hợp cho ngành Ngân hàng. Năm 2021, ngành Ngân hàng tỉnh phấn đấu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%, tín dụng tăng trưởng 12%, 100% các đơn vị, tổ chức thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn