Mỹ Lộc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

08:01, 19/01/2021

Những năm gần đây, huyện Mỹ Lộc đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất, đời sống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cơ giới hóa khâu thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ xuân 2021 tại xã Mỹ Hà.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Cơ giới hóa khâu thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ xuân 2021 tại xã Mỹ Hà. 

Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH và CN liên quan đến việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời phổ biến, khuyến khích ứng dụng các sáng kiến kỹ thuật đã được phê duyệt công nhận trên địa bàn huyện vào sản xuất, chế biến, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả nông sản, và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện chất lượng đời sống của người dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện có hơn 600 máy làm đất các loại, 40 máy gặt đập liên hợp; cơ giới hóa đạt 100% khâu làm đất, 98% khâu thu hoạch lúa. Nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào thử nghiệm như: M1, CS6, Hồng Đức 9,  Kim Cương 111, Dự hương, Tám nhiệt đới, Nàng xuân tại các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Thành… nhằm bổ sung vào bộ giống lúa của huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… Một số chuỗi đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định như: chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Toản Xuân với HTX Mỹ Thắng và HTX Mỹ Hà trong sản xuất gạo sạch Bắc thơm 7; chuỗi liên kết giữa Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương với các HTX Mỹ Hà, HTX Nguyễn Xá (Mỹ Tiến), HTX Liêm Trại (Mỹ Thịnh) trong sản xuất tiêu thụ lúa Dự hương. Thời gian qua, Mỹ Lộc phát triển các vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng trại sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải, mô hình nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Tiêu biểu là trang trại nuôi gà đẻ theo chuẩn VietGAHP của anh Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung, với quy mô diện tích 7.000m2 nuôi khoảng 6.000 gà đẻ trứng. Anh Nam cho biết: Khu nuôi gà đẻ của trang trại được lắp đặt hệ thống cảm biến tự động để điều chỉnh nhiệt độ, vận hành thiết bị lọc gió, gạt phân, đẩy trứng, đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật đầy đủ và duy trì, kiểm soát theo đúng quy định. Sản phẩm trứng gà của trang trại được Trung tâm KHCN và Phát triển nông thôn (Tổng Công ty Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp uy tín chất lượng cao. Mỗi ngày, sản lượng bình quân của trang trại đạt 5.000 quả trứng, doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm. Huyện đã hình thành 4 vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Trung; có 3 cơ sở nuôi cá nước ngọt được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Để phát triển hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, các hộ nuôi thủy sản trong huyện đã thành lập tổ hợp tác sản xuất để hỗ trợ nhau trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy giá trị sản xuất thủy sản của Mỹ Lộc đạt 200-400 triệu đồng/ha/năm. Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực ngành may tại xã Mỹ Thắng; sản xuất dép nhựa tại xã Mỹ Hưng và thị trấn Mỹ Lộc… đã đầu tư công nghệ để đổi mới cải tiến mẫu mã sản phẩm giảm, giá thành để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm cung cấp ra thị trường, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho nhân dân địa phương, đồng thời hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Lộc đã áp dụng đồng bộ các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý, sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc) tới toàn bộ các cấp trường học; trong tổ chức hoạt động giáo dục của các nhà trường, quản lý văn bản điện tử, hệ thống họp, hội thảo, tập huấn chuyên môn qua mạng internet, phần mềm quản lý y tế trường học; xây dựng một số trường điểm đáp ứng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin mức nâng cao. Huyện cũng thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xử lý các nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; tỷ lệ văn bản xử lý trên hệ thống văn bản quản lý điều hành, văn bản gửi trên trục liên thông của tỉnh ngày càng tăng. Toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã áp dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành; một số xã sử dụng thành thạo phần mềm gửi trên trục liên thông như: xã Mỹ Tiến, Mỹ Hưng, Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh, Mỹ Hà… Mô hình nông thôn mới nâng cao áp dụng các điểm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại các thôn, xóm trên địa bàn huyện đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống của nhân dân. Hiện nay các điểm thu gom được triển khai áp dụng trên địa bàn các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Thành; mỗi xã có 5 bể thu gom và xử lý rác thải, trong đó có 4 bể được xây dựng tại các thôn xóm, 1 bể  xây dựng tại khu dân cư tập trung của xã. Các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Thành, Mỹ Trung, Mỹ Hà và thị trấn Mỹ Lộc đã áp dụng quy trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh… mang lại lợi ích kinh tế cao, cải thiện về môi trường.

Đồng chí Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, Mỹ Lộc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về KH và CN, tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm, các văn bản khác về KHCN trên địa bàn huyện. Nâng cao trình độ cán bộ KH và CN qua các lớp đào tạo, tập huấn và tham quan các mô hình tiêu biểu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan cấp huyện, xã, thị trấn. Lựa chọn, triển khai và áp dụng các mô hình có tính khả thi, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com