Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu

08:11, 17/11/2020

Những năm gần đây, nông dân các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí đưa công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động vào sản xuất nông nghiệp. Đây là những công nghệ tưới với nhiều ưu thế vượt trội: tiết kiệm nước, giảm công lao động, chi phí, phù hợp với điều kiện sản xuất hiện đại, tăng hiệu quả kinh tế trong trồng trọt.

Mô hình trồng hoa lan áp dụng hệ thống tưới phun sương tự động của anh Ngô Văn Thuận, xã Hải Tân (Hải Hậu).
Mô hình trồng hoa lan áp dụng hệ thống tưới phun sương tự động của anh Ngô Văn Thuận, xã Hải Tân (Hải Hậu).

Tại làng hoa Phạm Tăng, xã Hải Tân (Hải Hậu), nông dân đã bắt đầu làm theo định hướng và nhu cầu thị trường, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tiên phong là anh Ngô Văn Thuận đã xây dựng thành công mô hình nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun tự động để trồng hoa lan. Chia sẻ về mô hình, anh Thuận cho biết: Từ năm 2017, qua tìm hiểu sách, báo và trên các phương tiện thông tin truyền thông, anh nhận thấy đây là công nghệ mới có rất nhiều ưu điểm mà chi phí không quá cao nên anh đã quyết định đầu tư hệ thống tưới phun tự động trên 300m2 trồng 1.000 chậu lan. Anh Thuận còn lắp đặt hệ thống nông nghiệp thông minh (giải pháp giám sát môi trường) sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tự động điều khiển máy bơm hoạt động theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ngoài cơ chế tự động, hệ thống có thể cài đặt theo cơ chế điều khiển máy bơm tưới bằng điện thoại thông minh. Tức là chỉ cần có kết nối internet thì ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời gian nào anh Thuận cũng có thể điều khiển hệ thống tự động tưới đồng loạt cho vườn lan. Qua hơn 3 năm áp dụng, mô hình tưới phun sương thật sự rất hiệu quả. “Trước đây để tưới cho 1.000 chậu lan tôi phải mất hơn 30 phút thì giờ chỉ mất 5 phút bơm. Hệ thống tưới phun sương tự động đưa nước đến cây trồng bằng các hạt nước nhỏ, mịn, nhẹ và đều từ lá đến thân, gốc, không gây hư hại cho cây, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt” - anh Thuận cho biết thêm. Với hiệu quả mô hình mang lại, hiện nay anh Thuận tiếp tục mở rộng thêm 1.000m2 ứng dụng công nghệ tưới phun sương tự động trên giá thể trồng lan. Từ năm 2015, anh Vũ Văn Khá, khu 8, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đầu tư xây dựng nhà màng với quy mô 800m2, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel để trồng dưa lê Hàn Quốc sọc vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Với phương pháp tưới này, mỗi gốc cây được thiết kế 1 chiếc béc tưới nước công suất 2 lít/giờ/gốc, sử dụng máy bơm tưới vào gốc cây qua béc tưới với lượng nước “đúng địa chỉ” chính xác tới từng giọt, đảm bảo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng trong từng giai đoạn và tiết kiệm được nước tưới. Anh Khá cho biết, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ hiện đại có rất nhiều ưu điểm, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất hiện nay như: tiết kiệm được hơn 70% khối lượng nước so với phương pháp thủ công, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm công lao động. Như vậy, không chỉ giảm chi phí sản xuất, hệ thống tưới nhỏ giọt còn không tạo thành dòng chảy nên tránh xói mòn đất, giảm đáng kể bệnh thối rễ ở cây do thừa úng nước, hạn chế lây lan dịch bệnh, giúp cây phát triển đều trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước, giúp tăng năng suất, chất lượng, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp. Thành công từ 800m2 ban đầu, đến nay anh Khá đã mở rộng quy mô sản xuất lên 2.300m2 nhà màng và trồng thêm dưa leo baby Hà Lan. Với phương pháp sản xuất hiện đại, mỗi năm anh Khá thu bình quân 10-12 tấn dưa leo baby Hà Lan, 15-18 tấn dưa lê Hàn Quốc, sau khi trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng.

Nước tưới là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với cây trồng. Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn, ô nhiễm nguồn nước đang là khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, một số doanh nghiệp, nông dân và HTX trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến bao gồm các công nghệ: tưới phun mưa, tưới phun sương, tưới phun rãnh, tưới nhỏ giọt được vận hành theo phương pháp tưới tự động, bán tự động, điều khiển từ xa. Hiệu quả nhất hiện nay vẫn là tưới nhỏ giọt cho cây trồng với phương pháp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh hay máy tính cho phép người sử dụng có thể vận hành hệ thống tưới ở mọi lúc, mọi nơi; có thể kết hợp tưới nước với bón phân qua hệ thống. Qua đó giúp người dùng kiểm soát lượng phân bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. Tưới nhỏ giọt có nhiều cách thức áp dụng như: Tưới quấn quanh gốc đối với cây ăn quả, tưới trên giá thể cho hoa và dưa, tưới nhỏ giọt trên mặt luống cho rau, củ. Kinh phí lắp các hệ thống tưới tiên tiến này cũng không quá cao, dao động từ 30-70 triệu đồng/1ha. Có thể khẳng định ứng dụng công nghệ cao là chủ trương, hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương mang lại hiệu quả rất rõ rệt, giảm chi phí, giảm nhân công phù hợp với mọi loại cây và ít phụ thuộc vào các yếu tố địa hình, thành phần đất nên áp dụng được ở rất nhiều địa hình. Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn chậm. Hầu hết các hộ dân vẫn sử dụng cách tưới tràn (dùng máy bơm có ống dẫn tưới) hoặc tưới thủ công, tưới trực tiếp trên bề mặt. Cách làm này không chỉ gây lãng phí nước, xói mòn rửa trôi làm bạc màu đất mà còn tốn nhiều công lao động dẫn đến chi phí sản xuất lớn, nên hiệu quả sản xuất không cao sức cạnh tranh của sản phẩm kém.

Việc mở rộng diện tích tưới tiên tiến để tiết kiệm nước có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, do vậy các cấp, các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp, cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp mới, trong đó có các công nghệ tưới tiên tiến để nông dân thấy được lợi ích hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất. Xây dựng các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nhất là tại những vùng khó khăn về nước để đánh giá rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ cao./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com