Nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng, một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau sạch, an toàn bằng các công nghệ đa dạng như: sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản, theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh, khí canh… Các mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người sản xuất và người tiêu dùng mang lại lợi ích cao hơn cho sức khoẻ cộng đồng. Song việc nhân rộng, mở rộng quy mô sản xuất các mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mô hình trồng dưa chuột an toàn trong nhà lưới tại thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). |
Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng một số mô hình điểm về trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại các xã Giao Phong (Giao Thủy); Yên Dương, Yên Cường (Ý Yên)… Mô hình ở xã Yên Dương được thực hiện từ năm 2018 tại 2 điểm là thôn Khả Lang và thôn Cẩm. Phương pháp áp dụng theo hướng hữu cơ tập trung từ khâu xử lý đất, trồng cây con trong vườn ươm, dùng nước sạch để tưới, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc ít độc hại cho môi trường và con người, sau khi phun thuốc đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Mô hình được trồng trong nhà lưới khép kín sử dụng vòi phun sương tự động, hệ thống chứa nước sạch để tưới; sử dụng màng phủ nông nghiệp, tăng cường dùng phân hữu cơ hoai mục trồng các giống rau su hào, bắp cải, cải bó xôi, xà lách xoăn... Kết quả cho thấy cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, không tồn tại hàm lượng kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, đạt độ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, cây su hào trồng theo công nghệ Nhật Bản cho củ đẹp, trọng lượng nặng, giá trị kinh tế đạt hơn 10 triệu đồng/sào, cao hơn 3,3 triệu đồng/sào so với phương thức trồng truyền thống. Thành công từ mô hình, tháng 11-2019, xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn gồm các thành viên là những hộ áp dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và được chứng nhận VietGAP. Hiện nay các sản phẩm rau an toàn của Yên Dương được chọn tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng nông sản sạch, bếp ăn tập thể của các trường mầm non và các công ty... Lãnh đạo xã Yên Dương cho biết: Mô hình đã làm thay đổi tập quán canh tác cũ của nông dân, thúc đẩy hình thức sản xuất liên kết giữa các nhà “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” tạo những bước phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Mô hình sản xuất rau an toàn bằng công nghệ khí canh được Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện trên các loại rau ăn lá ưa nước như: rau muống, cải bó xôi, xà lách xoăn... Với công nghệ trồng rau khí canh, cây được cung cấp nước và chất dinh dưỡng là những loại phân hóa học vô cơ an toàn, được phép sử dụng trong nông nghiệp bằng cách phun trực tiếp lên rễ. Với phương pháp phun sương này, quá trình trao đổi chất của cây cao gấp 10 lần so với trồng trong đất giúp cây có đủ nước và các chất dinh dưỡng cần thiết để sinh trưởng trong một môi trường được kiểm soát. Qua đó giúp rau hạn chế sâu bệnh mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt hiệu quả bước đầu, tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng từng bước góp phần điều chỉnh, định hướng tiêu dùng cho người dân với mục tiêu an toàn. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất rau an toàn tại tỉnh ta hiện chủ yếu vẫn còn dừng ở mức thử nghiệm hoặc quy mô sản xuất nhỏ. Việc phát triển, nhân rộng, thậm chí duy trì kéo dài thời gian mô hình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, theo kế hoạch vụ đông hàng năm của tỉnh, mỗi huyện, thành phố phải xây dựng ít nhất 1 mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản song thực tế có địa phương không thực hiện. Mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ khí canh gần như không phát triển ngoài cộng đồng. Mô hình sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh đa số chỉ thực hiện ở các hộ gia đình, sản xuất quy mô lớn cung cấp sản phẩm hàng hóa còn ít. Từ cuối năm 2016, Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) bắt đầu triển khai vùng trồng rau công nghệ cao với các loại rau ăn lá, rau, cây ăn quả như: xà lách, cải bó xôi, cải ngọt, cải chíp, rau muống, mồng tơi, rau đay, cải làn, cải bắp, su hào, cải thảo, bầu, bí, mướp, dưa chuột, cà chua… Công ty đã phát triển quy mô sản xuất lên gần 10ha, trong đó có 0,8ha trồng rau thủy canh và hữu cơ trong nhà màng, diện tích còn lại được trồng ngoài trời theo công nghệ VietGAP. Song đến nay, Công ty đã dừng sản xuất rau sạch để chuyển sang dự án trồng cây rau má để làm nước ép và lấy tinh bột. Ông Lâm Văn Lưu, Giám đốc Công ty cho biết: “Chi phí đầu tư cho sản xuất rau an toàn luôn cao hơn nhiều nên giá thành khó cạnh tranh với rau thông thường. Đầu ra của rau an toàn không thiếu song nhiều cửa hàng, siêu thị chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không chia sẻ với nhà sản xuất, nếu tăng giá rau họ sẽ không nhập hoặc chỉ nhập số lượng ít, còn giữ giá nhập thấp thì Công ty phải bù lỗ. Sau vài năm không duy trì được nên tôi phải chuyển hướng. Đây không chỉ là khó khăn của Công ty tôi mà cả với những doanh nghiệp có những diện tích sản xuất rau an toàn với quy mô lớn khác”. Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung do đặc thù canh tác rau màu của nông dân vẫn là nhỏ lẻ, manh mún; chưa đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng đồng ruộng của tỉnh tuy đã từng bước được đầu tư cải tạo, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của công nghệ sản xuất rau an toàn. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ vào lĩnh vực sản xuất rau an toàn. Một số doanh nghiệp tham gia sản xuất rau an toàn lại chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Khả năng thay đổi tập quán canh tác truyền thống để tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới của nông dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn tư tưởng “rẻ thì mua” nên rau sạch, an toàn khó cạnh tranh với rau thường gây khó khăn cho việc tiêu thụ và phát triển sản xuất, đặc biệt là đối với mô hình rau an toàn.
Nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao, nhất là nhu cầu về nguồn cung cho bếp ăn tập thể của các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng... mở ra thị trường tiềm năng cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân mở rộng, phát triển sản xuất. Để giải bài toán khó này cần sự chung tay của các cấp, các ngành và địa phương, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị và các hộ nông dân sản xuất rau an toàn, góp phần tạo nguồn sản phẩm rau sạch hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng ổn định thị trường tiêu dùng rau sạch, an toàn vì sự phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh