Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản xa bờ

08:10, 16/10/2020

Thời gian qua, đội tàu cá ở tỉnh ta đã phát triển dần sang đội tàu công suất lớn, vươn ra khai thác xa bờ. Nhiều tàu cá đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, lắp đặt thiết bị hiện đại, tiên tiến để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, để hiện đại hóa tàu cá xa bờ, vẫn còn nhiều việc cần quan tâm.

Tàu cá  neo đậu bến Ninh Cơ (Hải Hậu).
Tàu cá neo đậu bến Ninh Cơ (Hải Hậu).

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh đã phát triển tương đối ổn định về số lượng và tăng nhanh về công suất. Hiện toàn tỉnh có 2.130 tàu khai thác thủy sản; trong đó có 516 tàu khai thác xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên, tăng 114 chiếc so với năm 2015. Những năm qua, đội tàu khai thác xa bờ được ngư dân đầu tư phát triển các nghề lưới rê, lưới kéo, câu - chụp mực, ghẹ… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như nghề lưới rê hỗn hợp của huyện Hải Hậu doanh thu bình quân đạt 90 triệu đồng/chuyến/10 ngày với sản phẩm chính là cá thu, cá đao. Đội tàu khai thác thủy sản xa bờ  của tỉnh đã tiếp cận, lắp đặt các thiết bị điện tử hàng hải như: máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc, ra đa, điện thoại vệ tinh; một số tàu cá còn có thiết bị được cài đặt sẵn các phần mềm dự báo thời tiết, dự báo thiên tai. Nhờ đó giảm được thời gian di chuyển, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác, kịp thời cập nhật thông tin và hướng dẫn tránh bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thời tiết xấu đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên tàu. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 tàu khai thác theo nghề lưới rê, hầu hết các tàu này đều trang bị 2 tời thu lưới rê thủy lực, thay cho 1 tời so với trước đây để giải phóng sức lao động, tăng năng suất đánh bắt cho các tàu cá. 

Ông Hoàng Văn Phúc, ngư dân xã Hải Chính (Hải Hậu) chủ tàu NĐ-92789TS cho biết: Trước đây, khi sử dụng 1 tời thu lưới thủy lực thì tôi cần thêm 3-4 thuyền viên để kéo lưới. Nhưng hiện nay sử dụng 2 tời thu thủy lực chỉ cần 2 ngư dân để xếp lưới mà thời gian thu lưới cũng rút ngắn lại. Khi tàu được trang bị 2 tời thu thủy lực, tôi đã tăng dàn lưới của mình từ 7 hải lý lên 10 hải lý. Nhờ tốc độ kéo lưới nhanh nên khi nghe ở điểm nào có cá nhiều tôi vẫn kịp đưa tàu đến để khai thác. Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, đến nay, tỉnh ta có 36 tàu cá vỏ thép đóng theo chương trình này. Ngoài trang bị các thiết bị hiện đại trong khai thác, các tàu cá này ứng dụng công nghệ hầm bảo ôn để bảo quản cá. So với phương pháp bảo quản truyền thống như sử dụng hầm ván gỗ cách nhiệt bằng tấm xốp ép chỉ bảo quản được 10-12 ngày thì sử dụng hầm bảo ôn giúp cá tươi được trong thời gian gấp 2-3 lần, qua đó giúp các tàu cá vươn khơi bám biển dài ngày hơn, mỗi chuyến kéo dài 25-30 ngày. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, ngư trường xung đột, tranh chấp song nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của đội tàu cá đánh bắt xa bờ, sản lượng thủy sản tỉnh ta vẫn tăng đều qua mỗi năm. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước đạt trên 55 nghìn tấn, tăng hơn 20% so với năm 2016.

Tuy đạt được một số kết quả khả quan nhưng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác xa bờ của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Trước hết, mức độ cơ giới hóa trong quá trình khai thác chưa cao, vẫn còn nhiều tàu cá sử dụng công nghệ bảo quản, công nghệ khai thác lạc hậu, trang thiết bị hiện đại không nhiều… Tập quán nghề truyền thống của ngư dân tỉnh ta khai thác ở ngư trường chính là vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến miền Trung, khai thác trong phạm vi từ 50 hải lý trở vào nên thời gian khai thác và chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Kinh phí đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác khá lớn, trong khi đó trình độ, kỹ thuật của ngư dân còn thấp; nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm trong khi số lượng tàu tăng lên dẫn đến xung đột cạnh tranh ngư trường, do đó nhiều chủ tàu còn ngần ngại đầu tư chiều sâu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Để tiếp tục phát triển đội tàu cá xa bờ và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản thủy sản, theo anh Lâm Văn Dương, Trưởng Phòng Tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản), Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích ngư dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu cá, nhất là đối với đội tàu khai thác xa bờ. Có chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá. Điều chỉnh, bổ sung để mở rộng vùng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 10-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác thủy sản trên các vùng biển xa. Nghiên cứu nguồn lợi, tăng cường dự báo ngư trường cho ngư dân. Xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản.

Hiện nay, Sở NN và PTNT cũng đang đề xuất với UBND tỉnh thực hiện 2 đề tài cải tiến khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác thủy sản là “Áp dụng quy trình công nghệ bảo quản cá thu trên tàu khai thác hải sản xa bờ bằng hầm bảo quản sử dụng vật liệu Polyurethane kết hợp đá sệt, đá vẩy” và “Chuyển giao mô hình ứng dụng công nghệ lạnh ngâm tuần hoàn kết hợp công nghệ nano UFB (Ultra Fine Bubble) để bảo quản cá thu trên tàu lưới rê hỗn hợp tại tỉnh Nam Định”. Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trên tàu cá; trong đó, chú trọng lựa chọn các công nghệ khai thác, công nghệ bảo quản, sử dụng thiết bị hàng hải hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả từng chuyến biển vừa đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình khai thác trên biển./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com