Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp

08:10, 28/10/2020

Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần đổi mới, tăng hiệu quả khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL). Qua đó không những nâng cao năng lực phòng chống thiên tai (PCTT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tạo điều kiện cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi chủ động chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, mà còn góp phần làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp…

Kiểm tra độ mặn tại cống Cồn Nhất (Giao Thủy).
Kiểm tra độ mặn tại cống Cồn Nhất (Giao Thủy).

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 hệ thống công trình thủy lợi với 69 lưu vực tưới tiêu do 8 Công ty KTCTTL và các địa phương quản lý, khai thác, bảo vệ với số lượng công trình gồm 310 cống qua đê chính, đê bối, đê dự phòng; 851 trạm bơm điện tưới tiêu có 1.427 máy bơm; 1.163 đập điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng trên kênh cấp I, cấp II; 2.922 cống cấp II; 37.836 cống cấp III và cống khoảnh; 299 kênh cấp I với tổng chiều dài 1.210km; 3.287 kênh cấp II với tổng chiều dài 3.915km; 35.272 kênh cấp III, kênh khoảnh có tổng chiều dài 9.394km… phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích canh tác gồm 73,3 nghìn ha lúa, 8.810ha rau màu, 14,6 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, 700ha ruộng muối. Để nâng cao hiệu quả quản lý, KTCTTL trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) lắp đặt thiết bị theo dõi mực nước, các đoạn đê, kè, cống xung yếu trên sông Đào, sông Đáy, sông Hồng, sông Ninh Cơ, cống Thanh Niên và các khu neo đậu tàu, thuyền của tỉnh. Sở NN và PTNT phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh lắp đặt 10 trạm đo mưa tự động tại 9 huyện, thành phố và 1 điểm tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh, 1 điểm tại Nhà đo sóng huyện Hải Hậu. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT còn lắp đặt 9 camera theo dõi đê điều, 4 vị trí camera theo dõi công trình PCTT để đảm bảo giám sát trực tuyến các khu vực trọng yếu PCTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong PCTT của các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã. Ngoài ra, tỉnh còn được Tổng cục PCTT (Bộ NN và PTNT) hỗ trợ tập huấn, phổ biến kinh nghiệm; trang bị 2 máy flycam, 2 máy đo độ sâu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành PCTT.

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, hệ thống thủy lợi của tỉnh được chia thành 2 vùng: phía bắc sông Đào tưới, tiêu chủ yếu bằng động lực do các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL: Mỹ Thành, Vụ Bản và Ý Yên khai thác, quản lý vận hành các công trình thủy lợi; phía nam sông Đào tưới, tiêu dựa theo thủy triều do các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL: Nam Ninh, Xuân Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng khai thác, quản lý vận hành công trình thủy lợi. Các Công ty KTCTTL phía bắc tỉnh đã tập trung ứng dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật về quy trình vận hành máy bơm, làm giảm tải biến áp, tiết kiệm điện năng tiêu hao. Còn các Công ty KTCTTL khu vực phía nam tỉnh tập trung ứng dụng những tiến bộ mới trong việc quản lý, điều tiết nước theo hướng tự động hóa để giảm tối đa lao động phổ thông. Ngoài việc chủ động đầu tư lắp đặt các thiết bị đo mặn, đo mực nước, đo mưa, đóng mở cống tự động, tiết kiệm điện năng… một số đơn vị còn lắp đặt camera theo dõi quản lý phát hiện việc xả rác thải xuống lòng kênh ở một số chợ, theo dõi mực nước trên các triền sông, sử dụng flycam để theo dõi vi phạm; áp dụng hệ thống điều hành văn bản điện tử... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, công tác lấy nước phục vụ sản xuất của hệ thống thủy lợi Xuân Thủy gặp rất nhiều khó khăn do mặn từ biển xâm nhập sâu vào trong cửa sông, mực nước nguồn giảm làm cho thời gian mở tưới các cống rất ngắn. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy phải tăng cường cán bộ, công nhân viên không quản ngày đêm túc trực cùng với thủ cống quan sát mực nước, lấy mẫu đo thử mặn tại các cống để kịp chớp thời điểm mở cống lấy được nước đạt chất lượng. Việc này mất nhiều thời gian để mở cống. Trước thực trạng trên, Công ty đã đầu tư lắp đặt 11 hệ thống giám sát đo thử mặn tự động sử dụng năng lượng mặt trời tại các cống trên triền sông Hồng. Từ các trạm giám sát độ mặn, số liệu độ mặn được truyền qua sóng radio vào thiết bị thu và hiển thị trên bảng điện tử đặt trong nhà quản lý, đồng thời tự động truyền đến phần mềm quản lý hệ thống của Công ty giúp người quản lý cập nhật thông tin liên tục về độ mặn, mực nước tức thời đáp ứng yêu cầu điều hành hệ thống thủy lợi một cách nhanh nhất. Khi độ mặn đến giới hạn phải đóng cống là 0,8%o, hệ thống tự động báo động bằng còi cảnh báo các thủ cống vận hành đóng cống cũng như mở cống ngay khi độ mặn cho phép. Ứng dụng này giúp mỗi cống khi mở tưới tăng thêm bình quân 20 phút lấy nước so với phương pháp đo thủ công trước đây, điều này rất quan trọng khi vụ đông xuân lượng nước ngọt rất khan hiếm. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhu cầu dân sinh trên địa bàn huyện Vụ Bản và một số xã của huyện Ý Yên, thành phố Nam Định. Đồng chí Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Hiện nay, Công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin, đưa công nghệ tự động hóa vào quản lý, KTCTTL để chủ động trong công tác quản lý, kéo dài tuổi thọ và nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành công trình phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty tập trung nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về nhiệm vụ tưới, tiêu cho từng khu vực, từng xã, thị trấn. Bằng nhiều biện pháp phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên và áp dụng các quy trình kỹ thuật tưới, tiêu nước tiên tiến không những giúp tiết kiệm chi phí hoạt động cho Công ty mà còn đảm bảo 100% diện tích có đủ nước tưới với chất lượng nước tốt, không có diện tích bị úng, hạn cục bộ, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, cơ cấu mùa vụ của địa phương.

Có thể nói việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thủy lợi đã góp phần đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu, qua nhiều năm hoạt động đã bị xuống cấp, lạc hậu về công nghệ. Một số công trình không còn phù hợp với thiết kế, sự phát triển chung của kinh tế - xã hội và xu thế biến đổi khí hậu. Hầu hết các công trình thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao. Để quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi đồng bộ, hiệu quả hơn, thời gian tới ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, thực hiện quy hoạch thủy lợi; đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị, công nghệ tưới hiện đại, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com