Những năm qua, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KH và CN.
Kiểm tra nhanh hàm lượng vàng đối với vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. |
Hàng năm, Thanh tra Sở KH và CN đã xây dựng kế hoạch thanh tra sát với thực tiễn địa phương, công tác quản lý Nhà nước của ngành. Trong đó tập trung thanh tra việc chấp hành quy tắc, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý đối với tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Sở KH và CN. Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc chấp hành quy chuẩn, quy định trong các lĩnh vực như: tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng xăng và nhiên liệu Diesel; thiết bị điện, điện tử; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ hạt nhân... để phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp, cơ sở vi phạm, tịch thu tiêu hủy nhiều hàng hóa không đảm bảo chất lượng, quá hạn, hàng giả nhãn hiệu, vi phạm sở hữu công nghiệp. Ngoài các biện pháp xử lý hành chính, Thanh tra Sở cũng đã yêu cầu các cơ sở phải thực hiện kiểm định các phương tiện đo nhóm 2 vi phạm không kiểm định, không bảo đảm về đo lường hoặc hết hiệu lực kiểm định; khắc phục sai phạm, bổ sung ghi nhãn hàng hóa đầy đủ, đúng quy định... Tính riêng lĩnh vực an toàn bức xạ hạt nhân, từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở KH và CN đã tổ chức 2 cuộc thanh tra chuyên đề về chấp hành Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Đo lường tại 28 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ. Qua thanh tra, các đơn vị sử dụng thiết bị bức xạ đã có chuyển biến trong việc chấp hành Luật Năng lượng nguyên tử, đặc biệt là chấp hành các quy định về an toàn bức xạ như: khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ y tế, niêm yết các nội dung theo quy định tại khu vực đặt thiết bị bức xạ, lưu giữ đầy đủ các loại hồ sơ liên quan về con người và thiết bị. Các đơn vị đều thực hiện việc bổ nhiệm “người phụ trách an toàn bức xạ”, tuy nhiên tại một số đơn vị chưa quy định rõ quyền và nghĩa vụ, vì thế người phụ trách an toàn bức xạ không hiểu rõ trách nhiệm đảm bảo an toàn bức xạ tại đơn vị. Còn có đơn vị khám chữa bệnh nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của chất lượng kỹ thuật các phương tiện đo trong hoạt động khám và chữa bệnh đến an toàn cho sức khỏe, vì thế chưa quan tâm đến việc thực hiện pháp luật về đo lường. Thanh tra Sở KH và CN đã xử lý vi phạm hành chính phạt cảnh cáo 1 đơn vị, phạt tiền 1 đơn vị với số tiền 6 triệu đồng, yêu cầu 8 đơn vị thực hiện kiểm định gần 100 phương tiện đo nhóm 2 theo quy định là các phương tiện đo sử dụng trong khám chữa bệnh như: huyết áp kế, máy điện tim, điện não… Năm 2019, Thanh tra Sở đã thanh tra 42 cơ sở và đo lường, chất lượng xăng dầu, phát hiện vi phạm và phạt cảnh cáo 1 đơn vị, phạt tiền 1 cá nhân và 4 tổ chức với tổng số tiền phạt là 24,5 triệu đồng; yêu cầu 24 đơn vị thực hiện việc sửa chữa 44 phương tiện đo để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; yêu cầu 13 đơn vị thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với xăng, dầu theo quy định. Cuối năm 2019, Thanh tra Sở đã tổ chức 1 cuộc thanh tra chuyên đề đối với thiết bị điện, điện tử tại 9 đơn vị trên địa bàn 5 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên và thành phố Nam Định; trong đó có 6 đơn vị kinh doanh thiết bị điện, điện tử và 3 đơn vị sản xuất dây điện bọc nhựa PVC. Qua thanh tra, có 5 đơn vị chưa lưu giữ đầy đủ các hồ sơ chất lượng liên quan đến thiết bị điện, điện tử đang kinh doanh; 2 đơn vị sản xuất đưa vào lưu thông sản phẩm dây điện bọc nhựa PVC ghi nhãn chưa đầy đủ theo quy định. Trong tháng 5-2020, Thanh tra Sở đã thanh tra đột xuất về sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp là Công ty HONDA Việt Nam tại 1 doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tại thời điểm thanh tra, doanh nghiệp này có 109 sản phẩm xe máy, trong đó có 100 xe máy bán thành phẩm không có nhãn hiệu và 6 xe máy gắn nhãn hiệu “CUB JIPAND”, 3 xe máy gắn nhãn hiệu “WAYEINDONA 50v”. Các sản phẩm này có dấu hiệu xâm phạm bản quyền về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của Công ty HONDA Việt Nam đã được bảo hộ tại Việt Nam. Căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm của doanh nghiệp, Thanh tra Sở đã xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp với số tiền 30 triệu đồng; yêu cầu doanh nghiệp loại bỏ các yếu tố xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu trên sản phẩm.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra về KH và CN vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: lực lượng cán bộ, công chức còn mỏng; công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, xử lý sau thanh tra đôi khi chưa được chú trọng đúng mức. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục làm tốt công tác thanh tra về KH và CN, thời gian tới, ngoài việc thường xuyên duy trì lịch trực, tiếp công dân và hỗ trợ, tư vấn các đơn vị, cá nhân về các lĩnh vực của ngành, Thanh tra Sở KH và CN sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực KH và CN. Lồng ghép công tác tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn thực hiện các quy định về các lĩnh vực chuyên ngành trong quá trình thanh tra, đặc biệt là các chính sách pháp luật mới để các cơ sở nắm vững và thực thi đúng pháp luật. Tăng cường hậu kiểm, đôn đốc theo dõi việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị sau thanh tra nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý. Tiếp tục bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức cho cán bộ thanh tra trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh