Giao Thủy đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

08:09, 10/09/2020

Thời gian qua, huyện Giao Thủy đã và đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, bền vững.

Sản xuất bồn trộn bê tông theo công nghệ hiện đại tại Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến.
Sản xuất bồn trộn bê tông theo công nghệ hiện đại tại Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến.

UBND huyện Giao Thủy đã thành lập Hội đồng khoa học để tổ chức triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ các xã, thị trấn ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Từ nguồn kinh phí hoạt động KHCN, huyện đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh, cấp huyện để tạo bước đột phá trong sản xuất và tạo ra sản phẩm mới. Tiêu biểu như dự án KHCN cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi hàu đơn Thái Bình Dương tại tỉnh Nam Định” với nguồn kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng đang thực hiện tại Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú (Bạch Long). Hiện nay, Công ty đã đầu tư xây mới khu cách ly, nuôi vỗ hàu bố mẹ, mua các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu rời. Cán bộ kỹ thuật của Công ty đã được chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ như: xây dựng và vận hành hệ thống, nuôi tảo, tuyển chọn hàu bố mẹ, nuôi vỗ thành thục, sinh sản nhân tạo, ấp nở trứng, ương hàu giống, tạo hàu rời, ương spat (ấu trùng bám) hàu rời, nuôi thương phẩm hàu rời. Dự án thành công sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàu giống ở Giao Thủy và tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung, giảm lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu; nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất hàu Thái Bình Dương thương phẩm; góp phần thúc đẩy nghề nuôi hàu Thái Bình Dương phát triển bền vững, hiệu quả, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế biển của địa phương. Ngoài ra, huyện Giao Thủy đang thực hiện các dự án KHCN cấp huyện như: “Xây dựng phần mềm quản lý tài liệu dự án cho các ban quản lý dự án trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng” tại doanh nghiệp tư nhân Phạm Ảnh, thị trấn Ngô Đồng; “Hoàn thiện kỹ thuật nâng cao chất lượng đồ gỗ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn xã Giao Yến huyện Giao Thủy” tại cơ sở sản xuất đồ gỗ Nhung Chiến; “Ứng dụng KH và CN vào mô hình trồng rau sạch tại xã Giao Phong” tại cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp Nguyễn Văn Thịnh… Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công Thương phối hợp với các đơn vị thuộc Sở KH và CN thực hiện nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu tư công nghệ để sản xuất các sản phẩm mới nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả mặt bằng và cơ sở vật chất hiện có. Điển hình là Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Tiến) đầu tư sản xuất sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm dung tích từ 2-7m3 ứng dụng công nghệ sơn tĩnh điện bằng công nghệ của Nhật Bản; tạo phôi bằng máy CNC của hãng Victor nhập khẩu từ Mỹ và áp dụng hệ thống hàn MIC robot tự động… giúp sản phẩm có độ bền đạt tới 100 nghìn m3, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập về giá cả, chất lượng. Mỗi năm, doanh thu từ sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm của Công ty đạt 10-15 tỷ đồng.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật phát triển sản xuất hàng hóa. Huyện đã khảo nghiệm, đánh giá, lựa chọn bổ sung vào cơ cấu sản xuất nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Bắc thơm 7 kháng bạc lá, Đài thơm 8, BC15… nâng tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt trên 70% diện tích, tăng hiệu quả kinh tế từ sản xuất lúa 7-10% so với trước đây. Một số doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi. Tiêu biểu là mô hình sản xuất măng tây, cà chua bi, rau sạch… quy mô 8ha lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, áp dụng phương pháp hữu cơ theo tiêu chí “6 không” (không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch) cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Chăn nuôi phát triển theo hình thức trang trại, gia trại áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại như: công nghệ chuồng kín, chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quy trình VietGAHP, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, biogas... nhằm hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Ở lĩnh vực thủy sản, huyện bước đầu đã hoàn thiện quy trình, công nghệ nuôi một số đối tượng như: tôm thẻ chân trắng, ngao, cá diêu hồng, hàu… Đặc biệt, Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến thủy sản Liên Phong (Giao Phong) sản xuất giống và nuôi thành công ốc hương, đây là con nuôi có giá trị rất cao, đang thị trường ưa chuộng hiện nay. Việc đưa vào sản xuất và nuôi thả thành công các giống ốc hương, sò huyết mở ra triển vọng phát triển nuôi thủy sản ổn định, bền vững của Giao Thủy. Cùng với sự phát triển của nuôi trồng, nghề chế biến thủy hải sản có đổi thay tích cực ở sản phẩm truyền thống chủ yếu và sản phẩm mới gồm nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, sứa mặn, sứa ăn liền. Công ty TNHH Một thành viên Chế biến thủy hải sản Hùng Vương (Giao Hải) đầu tư dây chuyền sấy tôm, tép khô trị giá gần 8 tỷ đồng theo công nghệ của Hồng Kông với sản lượng sấy tối đa lên tới 5 tấn sản phẩm/ngày quy trình chế biến theo chuỗi sản xuất tự động khép kín từ nguyên liệu đến thành phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Việc đẩy mạnh hoạt động KHCN đã góp phần giúp sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Giao Thủy phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng từ 3-3,5%/năm;  sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có mức tăng trưởng bình quân đạt 14,5%/năm. Năm 2020, thu nhập thực tế bình quân đầu người của huyện đạt 61,5 triệu đồng. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò KHCN để người dân quan tâm tìm hiểu và ứng dụng vào thực tế sản xuất tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và khuyến khích người dân tham khảo, học tập, nhân rộng những mô hình có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com