Thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và nền kinh tế số.
Số hóa các dữ liệu điều hành sản xuất tại Công ty Cổ phần May Nam Hà (thành phố Nam Định). |
CĐS là quá trình số hóa các hoạt động, dữ liệu thông tin trong mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên môi trường mạng. Quá trình này giúp mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian trong việc thực hiện các giao dịch. Đây là xu thế tất yếu, diễn ra nhanh chóng, phổ biến ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tại tỉnh ta, quá trình CĐS diễn ra mạnh mẽ từ khi UBND tỉnh quyết định triển khai xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh trên cơ sở đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng CNTT, coi đây vừa là nền tảng quan trọng, vừa là nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) liên tục tăng trưởng: năm 2019, ICT Index tăng 15 bậc (so với năm 2016 xếp thứ 39/63) lên vị trí 24/63 tỉnh, thành phố. Nam Định là tỉnh nằm trong nhóm 5 địa phương đầu tiên trong toàn quốc kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Bên cạnh đó, sau gần 5 năm áp dụng chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp đã giảm hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội lên tới hàng chục tỷ đồng/năm. Đến nay, tỉnh đã số hóa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng do Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh xây dựng được các sở, ban, ngành trong tỉnh cập nhật và khai thác hiệu quả theo ngành dọc như: quản lý dân cư, doanh nghiệp, đất đai, y tế, khoa học và công nghệ, hộ tịch, cấp đổi giấy phép lái xe, cơ sở hạ tầng giao thông, quản lý dự án đầu tư, tài chính, thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm... Đối với hệ thống dữ liệu thông tin dùng chung cấp tỉnh, trong năm 2019, Sở TT và TT đã hoàn thành việc xây dựng các phần mềm phục vụ việc tạo lập các cơ sở dữ liệu: quản lý cán bộ, công chức; quản lý dân cư; quản lý cơ sở văn hóa; quản lý giống cây trồng, vật nuôi. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu để phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Riêng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp 615 dịch vụ công mức độ 3, đạt 36,8% và 533 dịch vụ công mức độ 4, đạt 31,81%. 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đạt 100% kế hoạch năm. 80% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử công vụ và khai thác thông tin trên môi trường mạng phục vụ công việc (theo kế hoạch cả năm 2020 là 90%). 100% cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số và chứng thực số. Bình quân hàng tháng có gần 7.500 văn bản sử dụng chữ ký số của các cơ quan Nhà nước ở 3 cấp. Toàn tỉnh đã kết nối camera phản ánh hiện trường tại hàng trăm điểm công cộng quan trọng trên địa bàn thành phố; đầu tư điểm phát sóng Wifi phục vụ cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ... Tháng 2-2020, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Đối với các doanh nghiệp, quá trình CĐS diễn ra nhanh, mạnh với việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động kinh doanh để gia tăng hiệu quả vận hành, sự hài lòng khách hàng và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Dẫn dắt các doanh nghiệp CĐS trên địa bàn, các Công ty viễn thông như VNPT, Viettel tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ứng dụng quản trị doanh nghiệp; quản lý nhân sự, quản lý bán hàng; thanh toán hóa đơn điện tử, chữ ký số và các ứng dụng nền tảng, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử; các ứng dụng làm việc tại nhà; khám, tư vấn sức khỏe từ xa; giao lưu kết nối trực tuyến; cập nhật tin tức; mua sắm, giải trí... và dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử. Những nỗ lực trên đã khẳng định quá trình CĐS của tỉnh đang từng bước triển khai xây dựng chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, góp phần minh bạch hóa, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cải thiện, nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, quá trình CĐS của tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung quan trọng như: tuyên truyền làm thay đổi tư duy của lãnh đạo đơn vị, cán bộ công chức và người dân để vận hành và thích nghi với cuộc sống số; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng đô thị thông minh cấp huyện; tranh thủ nguồn nhân lực trẻ; huy động nguồn lực đầu tư... Nội dung CĐS cần tập trung ưu tiên triển khai vào một số trọng tâm như: xây dựng chính quyền số, phát triển y tế thông minh, giáo dục thông minh và sản xuất thông minh, thương mại điện tử, du lịch thông minh... Lấy người dân, doanh nghiệp, du khách làm trung tâm, người dân vừa là người thụ hưởng vừa là người đóng góp xây dựng, phát triển dịch vụ, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, chất lượng và hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh là mục tiêu mà quá trình CĐS của tỉnh hướng đến./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương