Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) phát động nhằm tạo lập môi trường làm việc số - môi trường làm việc liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Hưởng ứng cuộc vận động ứng dụng, Sở TT và TT đã có nhiều giải pháp đưa nhanh việc chuyển đổi số, tạo lập môi trường làm việc trên không gian mạng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử và kinh tế số.
Cán bộ Công ty Viễn thông Nam Định tư vấn khách hàng. |
Cuộc vận động nhằm đặt ra 10 nhiệm vụ cần thực hiện bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực để tạo lập môi trường làm việc số: Phát triển môi trường làm việc số phục vụ nhu cầu công việc, trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ thuộc các nhóm họp, hội nghị trực tuyến; văn phòng làm việc trực tuyến; quản trị số; công cụ giao tiếp số; phát triển các nền tảng, ứng dụng dịch vụ số để phát triển đào tạo phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập, cung cấp thông tin y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; hỗ trợ xây dựng cuộc sống số đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường ngày của người dân tại nhà, duy trì hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ thiết yếu; hỗ trợ nhu cầu văn hóa, giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân, nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa Việt trên không gian mạng; hỗ trợ nhà máy thông minh giúp chuyển đổi từ hệ thống sản xuất tự động hoá truyền thống sang hệ thống sản xuất số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử, xử lý thông tin sai sự thật. Với vai trò là đơn vị đầu mối về công nghệ thông tin, Sở TT và TT đã chuẩn bị mọi điều kiện, bố trí cán bộ đủ kinh nghiệm để đảm bảo quản trị, vận hành các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh hoạt động ổn định, thông suốt, sẵn sàng 24/7. Đề xuất các sở, ngành chức năng tăng cường khai thác, sử dụng các ứng dụng chuyên ngành, các địa phương phụ trách trả lời hỏi đáp trực tuyến kịp thời cho người dân, doanh nghiệp trên các kênh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn chủ động nghiên cứu phát triển các phần mềm ứng dụng hữu ích, phù hợp với thực tế địa phương, chuyển tải nhanh các ứng dụng phục vụ nhu cầu học tập, làm việc của nhân dân; chủ động nghiên cứu phát triển công nghệ và hỗ trợ các sở, ngành, các huyện, thành phố ứng dụng công nghệ vào công việc chuyên môn và các lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn có khả năng làm ra sản phẩm, ứng dụng công nghệ số. Sở TT và TT đã phối hợp với Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC xây dựng và triển khai một số giải pháp họp trực tuyến Meeting room trên môi trường mạng riêng cho tỉnh thay cho phần mềm Zoom (phiên bản miễn phí) có nhiều dấu hiệu mất an toàn. Phần mềm Meeting room được thiết kế thao tác bằng các thiết bị (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn có trang bị camera và micro); được tích hợp với hệ thống họp không giấy của tỉnh trong hợp phần Đô thị Thông minh, được cài đặt trên máy chủ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh nên đáp ứng được các yêu cầu về bảo mật thông tin và an toàn thông tin mạng. Phần mềm này có khả năng tùy biến cao nên dễ dàng sử dụng, tự cấu hình người dùng, tự tổ chức cuộc họp, tự thiết lập đại biểu… Phần mềm Văn phòng điện tử, được các cán bộ, kỹ sư Phòng Công nghệ thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TT và TT) và Công ty Viễn thông Nam Định xây dựng với ưu điểm tích hợp tất cả những ứng dụng riêng lẻ phục vụ công tác quản lý điều hành tại các cơ quan quản lý Nhà nước đã có trước đây để khắc phục hạn chế việc các cán bộ, công chức phải cài đặt quá nhiều ứng dụng trên thiết bị di động. Đặc biệt phần mềm này có những ứng dụng cơ bản như: Cổng Thông tin điện tử, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, quản lý văn bản, quản lý công việc và họp trực tuyến… được ưu tiên đặt ở vị trí đầu tiên trên giao diện ứng dụng kèm theo các thông báo nhắc nhở, đôn đốc công việc liên quan đến cá nhân người sử dụng. Bên cạnh đó, phần mềm có thể thay đổi giao diện, tính năng theo đặc thù công việc của các cơ quan đơn vị cũng như yêu cầu về không gian, thời gian, số lượng thành viên tham gia nên dễ tương thích với điều kiện làm việc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đối với việc ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh lộ trình triển khai những ứng dụng phục vụ quản lý giáo dục, khai báo y tế, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ứng dụng quản trị doanh nghiệp; quản lý nhân sự, quản lý bán hàng; thanh toán hóa đơn điện tử, chữ ký số và ứng dụng các nền tảng, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử; các ứng dụng làm việc tại nhà; khám, tư vấn sức khỏe từ xa; giao lưu kết nối trực tuyến; cập nhật tin tức; mua sắm, giải trí... và dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử hiện đang được các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn nhanh chóng tiếp nhận sử dụng. Các doanh nghiệp bưu chính đã tích cực thực hiện gắn mã lên hệ thống bản đồ số Vmap; xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ phòng chống dịch thông qua việc thu thập dữ liệu cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ công tác quản lý khách lưu trú kết nối với thông tin phòng chống dịch trên Hệ thống khai báo sức khoẻ du lịch.
Ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ nhanh, phù hợp với đặc thù công việc địa phương mà còn khơi dậy được tinh thần lao động sáng tạo, say mê nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương