Là lực lượng chủ công giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) để kịp thời nắm bắt xu hướng thời cuộc, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 phát triển ngành TT và TT, góp phần quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Cô và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế các mô hình học cụ phục vụ dạy và học. |
Để chủ động tham gia Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW, Nghị quyết số 50/NQ-CP, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở TT và TT đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) toàn ngành, nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc CMCN 4.0, như: Đề án kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020; Dự án thuộc Chương trình mục tiêu CNTT các năm 2018, 2019, 2020; Đề án mô hình đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, tổ chức triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT; đào tạo kỹ năng quản lý, vận hành, khai thác trang thông tin điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; hệ thống một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; ứng dụng chữ ký số phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử. Đến nay, hạ tầng CNTT của tỉnh từng bước được bổ sung, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ triển khai chính quyền điện tử. Đã hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 1.0; trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối trục liên thông văn bản quốc gia; nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh (LGSP). Năm 2019, kết quả chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (ICT Index) tăng 15 bậc (so với năm 2016 xếp thứ 39/63) lên vị trí 24/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt trong báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 công bố ghi nhận Cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục tăng điểm mạnh ở cả 3 tiêu chí xếp hạng, về độ mở và chất lượng Cổng thông tin điện tử đứng thứ 39; tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào Cổng thông tin điện tử đứng thứ 25; ứng dụng CNTT trong đăng ký doanh nghiệp đứng thứ 12 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0 mang lại, thời gian tới, Sở TT và TT tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tham gia quá trình chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển bưu chính, viễn thông, CNTT phù hợp với xu thế phát triển của toàn quốc và của tỉnh, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh của các hệ thống thông tin trọng yếu trên địa bàn. Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, tạo đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị. Đồng thời tiếp tục triển khai việc thực hiện hiệu quả các dự án như: xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, làm nền tảng để triển khai thực hiện chính quyền điện tử kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Triển khai hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối với hệ thống của Văn phòng Chính phủ để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành… Trên cơ sở đó, Sở TT và TT tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể như: xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0; hiện đại hóa công nghệ bưu chính, ưu tiên tập trung hiện đại hóa bưu cục, sử dụng các thiết bị bưu chính hiện đại, kết hợp với các trung tâm chia chọn tự động thực hiện tới cấp huyện. Xây dựng hạ tầng viễn thông, internet đồng bộ, hiện đại làm nền tảng cho việc ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, phục vụ tốt công tác đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tỷ trọng kinh tế từ dịch vụ viễn thông cơ bản sang dịch vụ CNTT và truyền thông. Đảm bảo hoạt động Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và Trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC) tỉnh theo tiêu chuẩn đảm bảo thống nhất, đồng bộ, an toàn an ninh thông tin, phục vụ dùng chung cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để tăng cường an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống CNTT. Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN 4.0 theo hướng tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT, kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ, công chức của các cơ quan Nhà nước. Phối hợp các ngành chức năng phát triển các dịch vụ: CNTT điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số; du lịch số, văn hoá số; y tế, giáo dục và đào tạo, doanh nghiệp số./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương