Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ phóng tàu vũ trụ bay quanh sao Hỏa vào tháng sau nhằm tìm hiểu quá trình biến mất của khí quyển hành tinh.
Minh họa UAE phóng tàu vũ trụ tới sao Hỏa. (Ảnh: Emirates Mars mission). |
Mang tên Amal nghĩa là "hy vọng" trong tiếng Arab, con tàu sẽ cất cánh từ đảo Tanegashima xa xôi của Nhật Bản vào ngày 15/7. Chuyến bay sẽ kéo dài 7 tháng trước khi tàu tới sao Hỏa và bay quanh quỹ đạo hành tinh. Hiện nay, sao Hỏa đang ở cách Trái đất khoảng 495,6 triệu km.
Tàu Amal nặng 1.350kg sẽ hoàn thành một vòng quỹ đạo sao Hỏa sau 55 giờ và sẽ bay quanh hành tinh trong một năm. Amal sẽ tập trung tìm hiểu khí hậu sao Hỏa thông qua nhiều cảm biển, giúp xác định mô hình thời tiết trên hành tinh. Con tàu cũng trang bị nhiều camera, bao gồm thiết bị cực tím và hồng ngoại, được thiết kế để theo dõi và phân tích khí hậu. Amal sẽ không hạ cánh xuống bề mặt hành tinh đỏ.
Phần lớn nhiệm vụ ở sao Hỏa trước đây đánh giá địa chất hành tinh trong nỗ lực tìm hiểu lịch sử sao Hỏa. Dự án Amal sẽ hướng tới khám phá điều gì khiến sao Hỏa mất dần khí quyển. "Chúng ta đang nghiên cứu hành tinh có vẻ như rất giống Trái đất, nhưng có bằng chứng chỉ ra sao Hỏa có thể không còn chứa nước, một trong những điều kiện quan trọng để tạo ra sự sống. Chúng tôi muốn tìm hiểu liệu bão bụi mạnh trên sao Hỏa có làm tăng tốc độ thất thoát hydro và oxy hay không?", Sarah al-Amiri, Bộ trưởng Khoa học Cao cấp kiêm phó quản lý dự án, chia sẻ.
Dữ liệu từ Amal sẽ được gửi tới 200 viện nghiên cứu, giúp hỗ trợ các dự án khác, bao gồm NASA. Để tăng khả năng thành công cho dự án, Trung tâm Vũ trụ Mohammed bin Rashid ở Dubai đang làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực du hành vũ trụ ở Đại học Colorado, Đại học Arizona và Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian ở Berkeley, California.
Theo khoahoc.tv