Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong công tác dự báo khí tượng thủy văn

07:06, 05/06/2020

Để nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn (KTTV), những năm qua, Đài KTTV tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong dự báo, cảnh báo cũng như quan trắc, thông tin dữ liệu KTTV.

Cán bộ Trạm Khí tượng Nam Định (thành phố Nam Định) kiểm tra thiết bị đo mưa tự động.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Cán bộ Trạm Khí tượng Nam Định (thành phố Nam Định) kiểm tra thiết bị đo mưa tự động. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trạm khí tượng, 3 trạm thủy văn. Để tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ứng dụng hiệu quả các công nghệ dự báo KTTV hiện đại, Đài KTTV tỉnh đã chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, mạng lưới quan trắc, đo đạc, dự báo và truyền số liệu KTTV bảo đảm độ bền, có tính chính xác cao. Đặc biệt, từ năm 2018 trở lại đây, Đài đã đầu tư các thiết bị quan trắc tự động như: máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm, thiết bị đo dòng chảy… Việc đầu tư các thiết bị tự động giúp hệ thống cập nhật được số liệu thực đầy đủ, kịp thời; chẳng hạn như sử dụng máy đo gió YOUNG có thể cập nhật tốc độ, hướng gió 2 giây/lần. Không chỉ vậy, việc dùng thiết bị tự động còn giảm cả nhân công quan trắc. Anh Vũ Minh Tuấn, Trạm Thủy văn Trực Phương (Trực Ninh) cho biết: Nếu như trước đây, để đo thủy văn, một ca chúng tôi cần trên 10 người và đo trong 2-3 giờ mới có kết quả. Đến nay, khi đưa thiết bị đo dòng chảy ADCP vào, chúng tôi chỉ cần 2-3 người làm việc trong 3-5 phút là có được kết quả tổng thể của tốc độ nước, hướng dòng chảy, diện tích và lưu lượng nước. Ngoài ra, việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo KTTV còn góp phần bảo đảm công tác truyền nhận thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời từ khâu truyền số liệu quan trắc trực tiếp từ các trạm, điểm đo về Đài KTTV tỉnh và các đơn vị trong Trung tâm KTTV quốc gia. Trong công tác dự báo, các cán bộ, nhân viên của Đài KTTV đã ứng dụng hiệu quả các sản phẩm mô hình dự báo như: GFS (Nhật, châu Âu), bản đồ Synoptic (Thái Lan), bản đồ khí áp... để cập nhật các yếu tố thời tiết như: mưa, nhiệt độ, độ ẩm, gió trên các mực khí áp. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp Đài KTTV tỉnh thực hiện tốt công tác theo dõi, dự báo đầy đủ, kịp thời, độ tin cậy cao diễn biến thời tiết, thủy văn. Đặc biệt là các bản tin như: không khí lạnh, xâm nhập mặn, mực nước thủy triều, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, dông, tố lốc, mưa lớn cục bộ. Thông tin, thông báo, cảnh báo kịp thời về diễn biến của thời tiết trong mùa mưa, bão, lũ như: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ cho các địa phương; phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng kế hoạch, chủ động trong chỉ đạo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai và đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh. Do vậy, thời gian qua mặc dù tỉnh ta chịu tác động hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp của một số cơn bão lớn nhưng nhờ các bản tin dự báo chính xác, kịp thời của Đài nên đã phòng ngừa, giảm đáng kể thiệt hại đối với hệ thống đê điều, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Với mục tiêu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với một số ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, Đài KTTV tỉnh đã thực hiện đề tài khoa học công nghệ “Đánh giá tác động của BĐKH với một số ngành kinh tế trọng điểm tại tỉnh Nam Định và đề xuất các giải pháp thích ứng”. Trong đó, nghiên cứu, đánh giá sự biến đổi của nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh ta như: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và du lịch trong từng giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời đề xuất chính sách và các biện pháp giảm thiểu tác động, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư một số huyện ven biển về BĐKH và các giải pháp ứng phó. Việc thực hiện thành công đề tài sẽ giúp tỉnh xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi nhằm tăng cường năng lực thích nghi và ứng phó với BĐKH cho các ban, ngành trong một số lĩnh vực kinh tế và người dân ở địa phương; dự tính, dự báo để giảm thiểu những tác động tiêu cực, tổn thất do BĐKH và thiên tai gây ra thông qua việc nâng cao nhận thức, sẵn sàng phòng, chống thiên tai cho người dân. Hiện Đài KTTV tỉnh đang tiếp tục đăng ký 2 đề tài khoa học công nghệ là “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ cảnh bảo và dự báo các cấp độ rủi ro thiên tai KTTV cho tỉnh Nam Định” - đề tài cấp Bộ và “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo sớm ngập lụt và cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập úng gây ra tại tỉnh Nam Định” - đề tài cấp tỉnh để xây dựng được bản đồ rủi ro thiên tai có nguồn gốc KTTV, bản đồ nguy cơ ngập lụt, úng với các cấp độ rủi ro thiên tai khác nhau cho tỉnh, ứng dụng trong việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai của các huyện, thành phố. Bên cạnh việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ, Đài KTTV tỉnh còn khuyến khích, vận động cán bộ, nhân viên tích cực tham gia các phong trào phát huy sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn. Nhiều sáng kiến hay đã được ứng dụng thực tế thành công, điển hình là các sáng kiến: “Áp dụng chương trình tương quan tuyến tính đa biến (hồi quy tuyến tính bội) để dự báo mặn cho vùng cửa sông tỉnh Nam Định”, “Xây dựng phương án dự báo mực nước mùa mưa, bão, lũ và vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh Nam Định bằng phương pháp phân tích biến động mực nước sông Đào”, “Ứng dụng công nghệ thông tin, phầm mềm tin học trong xây dựng phương án dự báo mực nước vùng sông ảnh hưởng triều tại tỉnh Nam Định”, “Áp dụng phương pháp phân tích các hình thế thời tiết gây mưa lớn và sử dụng phần mềm SPSS (phần mềm thống kê, phân tích dữ liệu) để tính toán, xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo lũ trên hệ thống sông ngòi tỉnh Nam Định”…

Đồng chí Dương Văn Hưng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh cho biết: Thời gian tới, Đài sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các phương án dự báo, đo đạc, quan trắc; nhất là các phương pháp, phương án hiện đại phù hợp với công tác dự báo KTTV tại điểm, khu vực nhỏ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về công tác dự báo, đo đạc, quan trắc KTTV. Tiếp tục đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên về áp dụng, sử dụng công nghệ thông tin, quản lý, khai thác hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật vào quan trắc, đo đạc chuyên môn. Qua đó, từng bước hiện đại hóa ngành KTTV, góp phần phục vụ hiệu quả công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com