Tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

08:05, 06/05/2020

Cùng với việc triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thời gian qua các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ mới cho hội viên, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể, thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất đơn lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nông dân thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) phát triển mô hình trang trại tổng hợp.
Nông dân thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) phát triển mô hình trang trại tổng hợp.

Các cấp HND từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên cập nhật, phổ biến, hướng dẫn kiến thức KHKT, kinh nghiệm, cách làm mới thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân, hướng dẫn hội viên sản xuất rau sạch theo quy trình VietGap, kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học an toàn và hiệu quả; quy trình chăn nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cách bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, cách ủ phân theo phương pháp hữu cơ, cách sử dụng chế phẩm sinh học BiOwish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản, triển khai thử nghiệm hàng chục mô hình ở các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường... Từ năm 2019 đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã mời các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình cây trồng và con nuôi có hiệu quả; tổ chức 2 lớp tập huấn về sản xuất nông sản an toàn cho cán bộ, hội viên tại các xã Hợp Hưng (Vụ Bản), Xuân Đài (Xuân Trường); phối hợp với Ban Kinh tế (Trung ương HND Việt Nam) tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho 100 đại biểu là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ HND cơ sở tham gia quản lý, điều hành tổ hợp tác, hợp tác xã. Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) phối hợp với các doanh nghiệp lắp đặt hàng nghìn bể bioga bằng công nghệ dùng bể composit cho các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại; tổ chức 33 buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho trên 3.000 hội viên... Thông qua các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT đã giúp cho nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất cũng như cách phòng trừ bệnh trên cây trồng vật nuôi, tư duy sản xuất dần được thay đổi. Nhiều hội viên nông dân đã tiếp cận được kỹ thuật, công nghệ mới, mạnh dạn áp dụng vào thực tiễn khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Tiêu biểu như các ông: Trần Văn Huấn, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo; Ngô Văn Ánh, xã Trực Cường (Trực Ninh) với mô hình nuôi “cá lồng” trên sông Ninh Cơ; Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu) với mô hình nuôi gà siêu trứng; Vũ Đình Tuấn, xã Yên Phúc (Ý Yên) với mô hình nuôi “cá lồng” trên sông Đào; Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) với mô hình nuôi cá trắm đen… Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ hội viên đưa cơ giới hóa vào sản xuất, các cấp HND trong tỉnh còn tích cực triển khai chương trình liên kết với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, chuyển giao hàng trăm máy móc theo phương thức trả chậm; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chính sách hỗ trợ cho các hộ mua máy nông nghiệp. Tỷ lệ sử dụng máy móc vào các khâu như làm đất, gieo cấy, thu hoạch… ngày càng tăng; công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch từng bước phát triển. Nhiều cơ sở chế biến nông sản đã sử dụng công nghệ và trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh còn tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa lớn chất lượng cao. Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, những năm gần đây, các cấp HND trong tỉnh đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 276 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 13.810ha, trong đó 34 cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 1.480ha; 20 chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, trong đó có 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn, hiệu quả cao.

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ hội viên tiếp cận và ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu KHKT, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mới, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com