Dấu ấn Khoa học và Công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương

07:05, 18/05/2020

Những năm gần đây, bằng tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến, ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đổi mới, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nâng cao về mặt chất lượng các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội. Hoạt động KH và CN đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Sản phẩm “Sứa Tân Long” của Công ty TNHH Chế biến Hải sản Tân Long, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm “Sứa Tân Long” của Công ty TNHH Chế biến Hải sản Tân Long, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Điểm lại kết quả nổi bật trong hoạt động KH và CN, đồng chí Mai Thanh Long, Giám đốc Sở KH và CN nhấn mạnh: Hoạt động quản lý, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Ngành KH và CN đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, y dược và cải tạo môi trường... Xây dựng những đề tài nghiên cứu sâu hơn về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa nhằm xác lập những luận cứ khoa học, thực tiễn cho những quyết định, chủ trương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2019, Sở KH và CN đã quản lý triển khai thực hiện 47 nhiệm vụ KH và CN; nghiệm thu 13 nhiệm vụ KH và CN đạt kết quả tốt. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã phục tráng và sản xuất trên 200kg hạt giống lúa Tám ấp bẹ siêu nguyên chủng, gần 5 tấn hạt giống lúa Tám ấp bẹ nguyên chủng cung cấp cho sản xuất đại trà; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hạt giống lúa Tám ấp bẹ, đào tạo chuyển giao kết quả cho 300 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cấp trang thiết bị, hệ thống mạng nội bộ, ứng dụng các phần mềm, đào tạo công nghệ thông tin cho các sở, ban, ngành như: Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Các doanh nghiệp tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Nam Trực, UBND huyện Vụ Bản, Trường THCS Giao Lạc, Trường THPT Nam Trực, Trường THPT Nguyễn Khuyến… Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Sở KH và CN đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử, Biên niên sự kiện của Hội Cựu chiến binh tỉnh, phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và góp phần đoàn kết cựu chiến binh, giữ gìn và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó tình bạn chiến đấu…

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới ở cấp cơ sở có nhiều chuyển biến và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Có thể kể tới những mô hình, dự án KHCN quan trọng mang đến những chuyển biến cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: “Ứng dụng KH và CN vào mô hình trồng rau sạch tại xã Giao Phong” của huyện Giao Thủy; “Khảo nghiệm các giống lúa thuần chất lượng cao Cao Long, Bắc thơm kháng bạc lá dòng mới” của huyện Nam Trực; “Liên kết giữa các hộ nuôi cá trắm đen bằng công nghệ vi sinh ở xã Mỹ Hà” tại huyện Mỹ Lộc; “Ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước nuôi cá bống bớp nhà kính” của huyện Nghĩa Hưng… Các dự án, mô hình được xây dựng thành công đã góp phần chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp hiểu và quan tâm hơn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm nhân công từ đó giảm chi phí sản xuất. Điều này cũng thể hiện rõ nét sự gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu KHCN của các cơ quan, đơn vị nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra của sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội, mang đến chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và dịch vụ. Các địa phương đã quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tài nguyên môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của KHCN trong việc tăng giá trị, hiệu quả lao động sản xuất.

Công tác sở hữu trí tuệ luôn được Sở KH và CN quan tâm thúc đẩy nhằm tạo chuyển biến trong đời sống khoa học công nghệ của địa phương. Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương, các sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu. Các sản phẩm sau khi đăng ký bảo hộ thành công như: gạo sạch Toản Xuân, cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Giao Châu, ngao sạch Giao Thủy, đồ gỗ La Xuyên… đã phát huy hiệu quả, một số sản phẩm tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Sở KH và CN đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương hướng dẫn các cơ sở, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chuẩn hóa các công việc ghi nhãn hàng hoá, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất... Phong trào sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai và được đông đảo các tập thể, cá nhân tham gia; trong 2 năm 2018 và 2019 đã có 114 sáng kiến được công nhận và cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, những năm qua, ngành KH và CN đã hỗ trợ tích cực cho chương trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh tới cơ sở kết hợp tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Từng bước hình thành thị trường công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động KH và CN phù hợp với thực tiễn của tỉnh, tạo động lực phát huy sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập. Quản lý tốt công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng góp phần quản lý trật tự thị trường, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tập trung thanh tra, kiểm tra các vấn đề bức xúc trong xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, quyền lợi người tiêu dùng, sự bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh…

Thời gian tới, ngành KH và CN tỉnh tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ KH và CN; đào tạo và hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Từng bước hình thành và phát triển thị trường KH và CN phục vụ chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tiếp tục xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở KH và CN gắn với việc hình thành các doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, đặc biệt chú trọng các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com