Mỗi năm có hàng triệu đơn vị máu được hiến vào ngân hàng máu nhưng thông thường chỉ có thể cất trong khoảng 6 tháng. Nhờ một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Trường đại học Louisville, Kentucky, Mỹ, khó khăn này có thể được giải quyết.
Các nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật mới để đông lạnh máu, nhờ đó máu có thể được dự trữ trong nhiều năm. Đây là một tiến bộ lớn không chỉ có ích cho các bệnh viện mà còn cho những tình huống khẩn cấp như ngoài mặt trận hoặc thậm chí trên không gian.
Đây là phương pháp mới để nạp đường trehalose vào tế bào hồng cầu để các tế bào này vẫn sống được qua quá trình đông lạnh. |
Ông Jonathan Kopechek, Giáo sư dự khuyết của Khoa kỹ thuật sinh học, Trường đại học Louisville cho biết quá trình đông lạnh này dựa trên phương pháp tiêu chuẩn thường được sử dụng để sản xuất dược phẩm khô, trong đó có khâu đông lạnh mẫu và làm bay hơi nước trong điều kiện chân không. Điểm độc đáo duy nhất trong nghiên cứu này là một phương pháp mới để nạp đường trehalose vào tế bào hồng cầu để các tế bào này vẫn sống được qua quá trình đông lạnh.
Phương pháp sáng tạo này sử dụng siêu âm để tạo ra những lỗ rỗng trong tế bào máu cho phép các nhà nghiên cứu nạp vào đó các phân tử đường trehalose. Mặc dù nghiên cứu này mới chỉ dừng ở bước thí nghiệm, nhưng đường trehalose trước đây đã được chứng minh là an toàn. Loại đường này cũng được sử dụng như một chất bảo quản cho một số loại đồ ăn.
Nhưng ông Kopechek nói rằng vẫn cần nghiên cứu thêm để có thể khẳng định phương pháp này hoàn toàn có thể áp dụng vào công tác bảo quản máu ở các ngân hàng. “Vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi sử dụng kỹ thuật này để sản xuất máu khô dùng cho công tác chữa bệnh. Chúng tôi đang tiếp tục công việc để tăng quy mô sản xuất một lượng máu khô lớn hơn và cũng sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm để kiểm tra đặc điểm chức năng và chất lượng của các tế bào sau quá trình đông lạnh”.
Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí khoa học Biomicrofluidics của Mỹ.
Theo khoahoc.tv