Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn cho các hoạt động của nhà trường trong và sau dịch, thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ của đơn vị, trong thời gian dịch COVID-10 bùng phát, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHSPKT) Nam Định đã khuyến khích giảng viên, nhân viên và sinh viên nghiên cứu các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch. Chỉ sau thời gian ngắn, các đơn vị chuyên môn của trường đã chế tạo thành công một số sản phẩm, tiêu biểu là máy rửa tay diệt khuẩn tự động và buồng khử khuẩn toàn thân của nhóm kỹ sư cơ khí, cơ điện của Khoa Cơ khí và Khoa Điện - Điện tử.
Sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân của Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định được đưa vào sử dụng. |
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thanh, giảng viên Khoa Cơ khí cho biết: Khi quan sát đồng nghiệp, sinh viên trong trường thực hiện công đoạn rửa tay khử khuẩn, chúng tôi thấy phát sinh bất cập như tốn thời gian, vẫn có nguy cơ lây nhiễm khi phải tiếp xúc với bề mặt thiết bị khử khuẩn tại nơi công cộng nên đã nảy ra ý tưởng chế tạo máy rửa tay diệt khuẩn tự động nhằm khắc phục các bất cập. Nhóm bắt tay vào nghiên cứu thử nghiệm. Chỉ chưa đầy 1 tuần, nhóm đã đưa ra sản phẩm máy rửa tay diệt khuẩn tự động với 2 phiên bản: Sử dụng nguồn điện trực tiếp và sử dụng nguồn điện ắc quy đi kèm bộ sạc tự ngắt. Máy được thiết kế nhỏ gọn, sử dụng nguồn điện 12V nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Vỏ máy được làm bằng vật liệu Alumina. Bên trong máy có bình chứa 2 lít dung dịch sát khuẩn và các hệ thống cảm biến, động cơ phun dung dịch, mạch điện. Người sử dụng chỉ cần đưa lòng bàn tay vào, hệ thống cảm biến tiệm cận hồng ngoại Omron được lắp ở thân máy sẽ nhận dạng, điều khiển động cơ phun dung dịch sát khuẩn dưới dạng sương mù. Chỉ mất 3-4 giây là vừa lượng dung dịch sát khuẩn phun đến bề mặt bàn tay để thực hiện 6 bước rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy, vừa giúp người sử dụng sạch tay mà không cần làm bất cứ động tác bấm nút nào, tránh tiếp xúc với bề mặt máy, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm và lan truyền vi-rút. Anh Thanh cho biết thêm: Thiết kế nhỏ gọn nên máy rửa tay tự động diệt khuẩn rất linh hoạt trong việc lắp đặt, di chuyển. Với phiên bản cắm điện trực tiếp, máy sử dụng nguồn điện 220V; còn phiên bản sử dụng nguồn điện ắc quy cơ động hơn, chỉ cần sạc đầy là có thể sử dụng trong vòng từ 3-5 ngày. Dung dịch sát khuẩn được phun dưới dạng sương mù, khi sử dụng máy rửa tay diệt khuẩn tự động sẽ tiết kiệm thời gian và dung dịch hơn rất nhiều so với phương pháp rửa tay thông thường. Với mỗi bình chứa 2 lít dung dịch có thể đáp ứng được gần 1.000 lượt rửa tay. Có thể nói, sản phẩm máy rửa tay tự động diệt khuẩn của nhóm chế tạo Khoa Cơ khí sử dụng những nguyên liệu đơn giản, dễ lắp, đảm bảo được thẩm mỹ, công năng sử dụng, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, sản phẩm còn đảm bảo yêu cầu hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo khi tiếp xúc tại các nơi công cộng. Kinh phí đầu tư lắp đặt của máy chỉ hơn 1 triệu đồng, rẻ hơn so với các sản phẩm được bán ở ngoài thị trường. Nhóm chế tạo đã sản xuất 50 chiếc máy rửa tay tự động diệt khuẩn và tặng miễn phí cho một số sở, ban, ngành, trường học trên địa bàn tỉnh và một số trường học ở các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Thái Bình… được các đơn vị tiếp nhận đánh giá cao sau khi sử dụng.
Nhóm kỹ sư của Khoa Điện - Điện tử thì nghiên cứu, sáng chế thành công sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân. Sản phẩm có trọng lượng 100kg gồm vật liệu khung hộp inox 304, vách ốp tấm nhôm nhựa, sàn gỗ, sử dụng điện áp 220V, công suất 175W; công suất phun: 3.000ml/giờ. Sản phẩm được thiết kế đảm bảo lắp đặt và di chuyển dễ dàng, có thể sử dụng cả trong nhà hoặc ngoài trời. Người sử dụng đưa tay lại gần cảm biến trước khi bước vào trong buồng khử khuẩn. Cảm biến phát hiện người hoạt động, đèn tín hiệu bật sáng báo hiệu quá trình thực hiện sát khuẩn bắt đầu. Sau đó hệ thống phun sương siêu âm tự động (không làm ướt) hoạt động phun dung dịch sát khuẩn dưới dạng nano trong khoảng 20-30 giây, hiệu quả khử khuẩn đạt tới 99% (theo đánh giá trong phòng thí nghiệm). Dung dịch sát khuẩn sẽ bám trên quần áo và vật dụng đồng thời sát khuẩn cả mũi, họng và cơ thể thông qua đường hô hấp. Hệ thống sử dụng dung dịch Nano bạc đã được chứng minh hiệu quả sát khuẩn và không gây tác dụng phụ cho người sử dụng. Quá trình sát khuẩn hoàn tất, đèn tín hiệu bật sáng hệ thống tự động dừng phun để người bên trong bước ra. Sản phẩm có thể lắp đặt tại những nơi công cộng, trung tâm y tế, trường học nhà máy, sân bay, bến tàu, bến xe hoặc các khu cách ly phòng dịch, giúp ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh qua đường tiếp xúc đối với các đơn vị, địa điểm luôn có đông người hoạt động.
Hiện nay, thực hiện quy định của Chính phủ về công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, khi sinh viên trở lại trường thì đây là những công cụ đắc lực giúp nhà trường trong công tác bảo đảm an toàn hoạt động giảng dạy và học tập đồng thời phòng chống dịch COVID-19. Hiện trường đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm. Với mong muốn cung cấp cho cộng đồng nhiều sản phẩm thiết thực hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thời gian tới, nhà trường tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm để có thể cung ứng ra thị trường với chi phí đúng với chi phí sản xuất và miễn phí công lắp ráp cho các trường học, doanh nghiệp, sở, ban, ngành và các đơn vị có nhu cầu nhằm góp công sức cùng cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh