Những chiếc màn ra đời với công dụng ban đầu là bảo vệ con người khỏi bị muỗi đốt. Tuy nhiên giờ đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một cách sử dụng mới của màn, không chỉ bảo vệ chúng ta khỏi muỗi đốt mà còn giúp tiêu diệt những con muỗi ngay khi chúng vừa kịp chạm vào màn.
Sử dụng hệ thống theo dõi video, các kỹ sư từ Đại học Warwick và trường Y học nhiệt đới Liverpool, Anh đã tiến hành phân tích cách muỗi bay xung quanh màn. Theo quan sát, họ nhận thấy những con côn trùng, ví dụ như muỗi dành rất nhiều thời gian bay qua bay lại trên đầu lưới.
Nó đơn giản chỉ là một tấm lưới hình chữ nhật được tẩm thuốc diệt côn trùng và đặt dựng đứng trên đỉnh của màn. |
Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành đặt một chướng ngại vật trên đường bay của muỗi và đặt tên là Barrier Bednet. Nó đơn giản chỉ là một tấm lưới hình chữ nhật được tẩm thuốc diệt côn trùng và đặt dựng đứng trên đỉnh của màn. Đơn giản là vậy nhưng ý tưởng này của các nhà nghiên cứu lại góp phần cản trở rất hiệu quả đường bay của muỗi.
Tấm màn này khiến muỗi liên tục va chạm phải và dẫn tới việc bị dính thuốc diệt côn trùng. Trên thực tế, các thử nghiệm với Barrier Bednet tại thực địa được tiến hành tại quốc gia Burkina Faso, Châu Phi cho thấy, tấm lưới này đem lại hiệu quả tiêu diệt muỗi rất cao, đặc biệt là loại muỗi Anophele gambiae trung gian truyền bệnh sốt rét.
Một ưu điểm của Barrier Bednet còn là việc nó được đặt ở bên trên màn nên ít tiếp xúc với cơ thể người.
Hiện nay một số loại muỗi đang dần trở nên kháng các loại thuốc diệt côn trùng như pyrethroid. Do đó đã đến lúc các nhà khoa học cần tìm ra một loại thuốc diệt côn trùng mới thân thiện hơn với con người và có hiệu quả trong tiêu diệt côn trùng.
Giáo sư Philip McCall của Liverpool cho biết: "Ý tưởng này mở đường cho việc sử dụng thuốc diệt côn trùng cho màn lưới. Điều mà trước đây ít được ứng dụng vì những rủi ro đối với sức khỏe nếu con người tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra nếu chúng ta có thể sử dụng một cách hiệu quả thuốc diệt côn trùng trên lưới, nó sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất".
Nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Nature Microbiology mới đây.
Theo khoahoc.tv