Trong những năm gần đây, các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp với khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải cách hành chính. Nhờ đó đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của các ngành kinh tế chủ lực và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Dây chuyền sấy tép moi theo công nghệ hiện đại của Công ty TNHH MTV Hải Sản Hùng Vương (Giao Thuỷ). |
Trong lĩnh vực nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã triển khai hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực chọn tạo, sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa; phục tráng và phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền; nghiên cứu đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy); thực hiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH và CN nhằm xây dựng bền vững nông thôn mới của tỉnh… Trong lĩnh vực cải cách hành chính, ngành KH và CN đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các địa phương duy trì, cải tiến và chuyển đổi sang phiên bản mới; quyết liệt triển khai xây dựng ISO 9001:2015 tại 100/229 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Sở KH và CN, các địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng ISO điện tử trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch và hoạt động có hiệu quả theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính của tỉnh. Xác định phát triển thị trường KH và CN là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng sàn giao dịch công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định” với kinh phí đầu tư trên 12 tỷ đồng. Hiện tại dự án chuẩn bị hoàn thành đưa Sàn chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị, góp phần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng phát triển thị trường cho các doanh nghiệp.
Tuy vậy, hoạt động KH và CN, đổi mới sáng tạo của tỉnh nhìn chung vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với truyền thống đất học và vị thế tỉnh trung tâm vùng. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH và CN còn thấp; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KH và CN chưa được một số ngành, địa phương quan tâm đúng mức; hoạt động đổi mới sáng tạo tại tỉnh ta vẫn còn hạn chế, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chủ quan do nhận thức của các cấp, các ngành về yêu cầu phát triển KH và CN, đổi mới sáng tạo chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tư nguồn lực cho KH và CN còn ít; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH và CN còn chưa quyết liệt. Sự phối hợp giữa ngành KH và CN với các ngành liên quan chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu, phát triển KH và CN, đổi mới sáng tạo trong tỉnh chưa được chú trọng; các trường đại học trên địa bàn tỉnh thiên về đào tạo hơn tổ chức nghiên cứu ứng dụng, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng chưa cao. Sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công còn yếu…
Để KH và CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, ngành KH và CN cùng các địa phương tiếp tục khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH và CN. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển KH và CN, đổi mới sáng tạo đã được ban hành. Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách với những cơ chế đặc thù có tính khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực dịch vụ công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo tiền đề hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí hợp lý. Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, doanh nghiệp, người dân về vai trò của KH và CN, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức hội thảo, diễn đàn giao lưu trao đổi về tình hình kinh tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giải pháp phát triển KH và CN nhằm cung cấp thông tin, gợi mở khuyến khích sự sáng tạo của người dân, tạo cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp có tiềm năng tiếp cận với các chương trình KH và CN của quốc gia, các quỹ đổi mới công nghệ. Xây dựng quỹ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh, hỗ trợ kịp thời các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả. Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ đổi mới sáng tạo tỉnh để tạo sự liên kết giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả KH và CN, thương mại hóa sản phẩm KH và CN; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp. Không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động KH và CN tại cơ sở. Tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH và CN có tính cấp thiết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và có ảnh hưởng sâu rộng./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh