Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hành chính là một xu thế tất yếu. Với sự chủ động, tích cực vào cuộc của mỗi địa phương, đơn vị, việc ứng dụng CNTT ở cấp xã đang có sự phát triển đáng kể thông qua việc tổ chức lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin điện tử thay thế phương thức làm việc truyền thống đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực quản lý Nhà nước tại UBND cấp xã.
Cán bộ, công chức xã Hồng Thuận (Giao Thủy) ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, ngày 14-10-2015 về xây dựng Chính phủ điện tử UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 22-3-2016. Theo đó, các xã phải triển khai xây dựng phần mềm quản lý văn bản trong điều hành; 90% cán bộ, công chức xã phải sử dụng thường xuyên hộp thư điện tử công vụ trong trao đổi văn bản điện tử với các cấp; phải xây dựng trang thông tin điện tử để phục vụ chỉ đạo, điều hành và đăng thông tin hoạt động của xã trên cổng, trang thông tin điện tử. Đặc biệt khi UBND tỉnh phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh, đây là nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT từ cấp tỉnh tới cấp xã nhằm hướng tới một hệ thống CQĐT toàn diện vào năm 2020. Trên cơ sở đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và chỉ đạo điều hành các cấp, góp phần nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn. Hàng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí để trang bị, bổ sung máy tính, thiết bị cho các xã, thị trấn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CNTT cho cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao trình độ, từng bước chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống sang ứng dụng CNTT trong công việc. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CNTT của UBND các xã, phường, thị trấn đã từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng CQĐT và phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của người dân, doanh nghiệp. Cả 229 UBND các xã, phường, thị trấn có hệ thống mạng nội bộ (LAN) với đường truyền Internet tốc độ cao, khai thác hệ thống truyền hình trực tuyến đáp ứng yêu cầu xây dựng CQĐT. 100% các xã, thị trấn đã đưa vào khai thác sử dụng trang thông tin điện tử; sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống “một cửa điện tử”, góp phần công khai minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính của UBND cấp xã. Trong năm 2019, các xã, thị trấn đã ứng dụng thành công chữ ký số trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ gửi văn bản liên thông hai chiều đi và nhận ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các địa phương đã đẩy mạnh việc triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn và quản lý Nhà nước như: kế toán ngân sách, đối tượng chính sách, hộ tịch hộ khẩu, văn bản, đất đai… được ghi nhận và đánh giá cao. Đồng chí Hoàng Đức Viện, Chủ tịch UBND xã Hải Châu (Hải Hậu) cho biết: “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào lưu trữ hồ sơ, quản lý phần mềm hộ tịch, kế toán… ở cấp cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ và người dân, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết. Nếu như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện phải mất 2 ngày thì nay chỉ vài giây “nhấp chuột” là văn bản đã đến địa chỉ cần thiết”.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong ứng dụng CNTT ở cấp xã chính là hệ thống thiết bị vừa không đồng bộ, vừa thiếu thiết bị, nhiều máy tính được trang bị cấu hình thấp, đã xuống cấp nên chỉ sử dụng để soạn thảo văn bản, truy cập Internet, không thể chạy các phần mềm ứng dụng khác. Một số xã không đủ máy tính trang bị cho cán bộ, công chức gây khó khăn trong việc quản lý dữ liệu cũng như xử lý công việc; ở một số bộ phận, việc ứng dụng CNTT cơ bản vẫn chỉ là soạn thảo văn bản, nối mạng Internet để cập nhật, theo dõi tin tức. Bên cạnh đó, thói quen và quy trình quản lý hành chính chậm đổi mới nên các hoạt động tiếp xúc, giải quyết công việc với vẫn chủ yếu theo cách thức truyền thống. Mặc dù có hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet, nhưng thông tin trao đổi qua mạng chưa nhiều, vẫn phải dùng văn bản giấy để chỉ đạo tổ chức thực hiện, báo cáo công việc. Lãnh đạo một số xã chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng và triển khai việc ứng dụng CNTT. Chất lượng, năng lực về CNTT của cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều xã còn rất hạn chế.
Thời gian tới, Sở TT và TT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở cấp xã; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; đưa nội dung ứng dụng CNTT vào công tác thi đua khen thưởng của đơn vị và tăng cường công tác đào tạo tập huấn nghiệp vụ, tập trung “cầm tay chỉ việc” trực tiếp cho cán bộ xã. Cùng với đó, Sở TT và TT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT để góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng CQĐT trong toàn tỉnh để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu: Hoàn thiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm thông suốt các cấp để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng. Kết nối phần mềm quản lý văn bản và điều hành kết nối qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, dễ dàng các nguồn thông tin cũng như thực hiện các dịch vụ công ngay từ cấp cơ sở; hướng đến xây dựng xã thông minh theo lộ trình của UBND tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương