Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính. Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
Năm 2019 là năm có nhiều đột phá của tỉnh trong việc ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính. Trong đó, đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc triển khai, xây dựng hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc công việc của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên hệ thống phần mềm hoặc tin nhắn SMS. Triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, giải quyết, công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tổ chức hội nghị trực tuyến; ứng dụng chữ ký số và xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh. Nhờ đó, tỉnh ta là một trong 8 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành việc kết nối với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia; đáp ứng chức năng, yêu cầu kỹ thuật và cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã được phê duyệt. Đến nay, 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, với tổng số TTHC được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4 là 720/1.716 TTHC, đạt tỷ lệ 45%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Kết quả giải quyết TTHC cũng được công bố công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn, bảo đảm giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, sử dụng các dịch vụ công. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Tỉnh đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC tập trung tại một đầu mối, qua đó nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và tăng cường việc quản lý, theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết TTHC của công chức. Hệ thống một cửa điện tử được tích hợp trong Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối liên thông tới 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn. 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, được kết nối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. Trên 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử. Đến nay tỉnh ta có 415 tổ chức, 1.112 cá nhân thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn công bố chính thức mẫu chữ ký số sử dụng trong trao đổi văn bản điện tử và trong trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Trên 90% văn bản hành chính trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện qua môi trường mạng. Trong đó, hầu hết các văn bản có sử dụng chữ ký số, đem lại hiệu quả cao trong xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính. Nhờ những chuyển biến tích cực năm 2019, chỉ số hiện đại hóa nền hành chính trong Bộ chỉ số PAR Index của tỉnh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa nền hành chính công, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 31-12-2019 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh năm 2020 với mục tiêu cụ thể là: Hoàn thiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm thông suốt các cấp để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của tỉnh đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử. Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan Nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% cổng, trang thông tin điện tử công khai đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật. Kết nối phần mềm quản lý văn bản và điều hành kết nối qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương