Vụ mùa năm 2019, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) đã đầu tư 500 triệu đồng mua máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Ông Đinh Xuân Mộc, Giám đốc Công ty cho biết: Đây là loại máy bay P20 không người lái thế hệ mới có 4 cánh quạt, được tích hợp rất nhiều chức năng hiện đại như hệ thống định vị vệ tinh giúp máy bay có thể bay hoàn toàn tự động, lập bản đồ khu vực cần phun và kiểm soát hoạt động phun theo chu trình đã được lập sẵn. Máy bay P20 có dung tích thùng chứa 10 lít thuốc, sử dụng hệ thống vòi phun ly tâm kết hợp lực gió đẩy xuống của thiết bị bay đảm bảo thuốc bảo vệ thực vật bám đều lên 2 mặt của lá giúp cây hấp thụ tốt, thuốc không kết thành hạt rơi xuống đất gây hại môi trường. Ông Mộc cho biết thêm: Khi chưa có máy bay phun thuốc, mỗi lần phòng trừ sâu bệnh, Công ty phải thuê 10 người phun 6 mẫu (2,16ha) ruộng trong 1 ngày với số tiền 200 nghìn đồng/người. Với tổng diện tích 57ha lúa của Công ty, mỗi vụ trung bình phun từ 2-4 lần nên chỉ tính riêng chi phí cho phun thuốc trừ sâu đã rất lớn. Sử dụng máy bay phun thuốc với chiều rộng phun sải cánh 3m có thể phun kín 1ha lúa trong khoảng 15 phút, một ngày máy bay có thể phun được hơn 10ha. Ngoài ra, phun thuốc bằng máy bay còn tiết kiệm được lượng thuốc sử dụng và 90% lượng nước so với phun thủ công. Ngoài mô hình của Đình Mộc, trong vụ xuân năm 2019, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường (Xuân Trường) cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đại Thành (Bắc Ninh) trình diễn mô hình sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường).
Mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đình Mộc. |
Thực tế cho thấy, sử dụng máy bay vào khâu phun thuốc bảo vệ thực vật năng suất lao động cao hơn từ 50-60 lần so với phun thủ công, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng trừ sâu bệnh. Khi phun bằng máy bay trên cánh đồng lớn sẽ khắc phục được hạn chế của việc phun trừ không đồng bộ, có hộ phun, hộ không phun dẫn đến kết quả diệt trừ sâu bệnh không triệt để. Không những vậy, khi sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc pha và phun được lập trình trên máy nên chất lượng, liều lượng thuốc cũng được đảm bảo. Đặc biệt, sử dụng máy bay phun, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe của họ. Chị Nguyễn Thị Hòa, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) cho biết: đầu vụ mùa vừa qua, thời điểm phun thuốc bảo vệ thực vật đúng dịp thời tiết nắng nóng, mặc dù có sử dụng găng tay bảo hộ, khẩu trang khi phun thuốc nhưng khi về chị vẫn thấy người nôn nao, tức ngực, khó thở, chóng mặt và đau đầu… Theo các nhân viên y tế, đây là một trong những biểu hiện của người bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, 100% vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thu gom tập trung, không bị xả thải bừa bãi ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc qua đó mang lại hiệu quả rất cao cả về mặt kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Sử dụng thiết bị bay không người lái trong một số khâu sản xuất thay cho lao động thủ công của con người là xu hướng tất yếu khi tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay phun thuốc cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn như vẫn có xác suất bị rơi máy bay do cài đặt định vị sai; máy bay có thể vướng vào cành cây hay đường dây điện có thể gây hậu quả nặng nề nếu không lập trình chính xác, do vậy đòi hỏi người sử dụng cần phải có trình độ kiến thức kỹ năng thuần thục. Ngoài ra còn đòi hỏi kiểm soát chặt về tần số hoạt động, các vấn đề về an ninh trật tự. Một năm 2 vụ lúa, mỗi vụ lúa trung bình phải phun trừ sâu bệnh từ 2-4 lần, do vậy nếu mở rộng diện tích sản xuất cánh đồng lớn “3 cùng” thì có thể phát triển dịch vụ thuê máy bay phun thuốc trừ sâu như các dịch vụ cơ giới hóa khác để vừa đảm bảo hiệu quả phun, vừa bảo vệ sức khỏe con người và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Điều này càng cho thấy cần thúc đẩy tích tụ ruộng đất, liên kết hợp tác để sản xuất quy mô lớn. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một số mô hình thuê, mượn ruộng, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất hiện vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn do một bộ phận người nông dân chưa nhận thức rõ, vẫn tồn tại tư tưởng bảo thủ, quyết tâm giữ ruộng mặc dù không tổ chức canh tác, đất đai bị hoang hóa, kém chất lượng, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên vô giá này. Để thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói chung, chính sách tích tụ ruộng đất nói riêng. Gắn quá trình tích tụ ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phân công lại lao động ở địa phương, đảm bảo giải quyết tốt việc làm cho số lao động nông nghiệp dôi dư chuyển sang ngành, nghề khác, khắc phục “nỗi lo thất nghiệp khi không còn ruộng”. Xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất. Hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất như: xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Giải quyết được bài toán “tích tụ ruộng đất” nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới và ứng dụng các giải pháp tiện ích khoa học công nghệ trong thời đại công nghệ 4.0 vào sản xuất đảm bảo không bị tụt hậu./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh