Robot y khoa mới này có hình dạng giống một con giun nhỏ, để dễ dàng di chuyển trong não bộ con người, giúp loại bỏ các cục máu đông của bệnh nhân đột quỵ.
Theo tờ Daily Mail, sợi dây robot này dày 0,5mm và dài chừng vài cm này di chuyển trong cơ thể bằng từ trường và được kiểm soát thông qua máy tính. Mặc dù chưa được thử nghiệm trên con người nhưng các nhà sáng chế đã chứng minh được những chức năng của nó trên một chướng ngại vật thu nhỏ cũng như trong một mô hình não bộ to bằng kích thước thật.
Sợi dây robot di chuyển trong mô hình mạch máu. Ảnh: thetimes.co.uk |
Nhóm nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massuchusetts (MIT) ở Boston, Mỹ chính là những người phát minh ra con robot nhỏ như con giun này. Họ hy vọng một ngày nào đó, thiết bị này có thể được dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị chảy máu hoặc đông máu trong não cũng như đẩy nhanh quá trình điều trị bằng cách chuyển thuốc trực tiếp vào não bộ.
Robot này làm từ hỗn hợp niken và titan, sau đó được phủ một lớp hydrogel bôi trơn giúp nó dễ dàng trượt qua các mạch kín mà không làm hỏng mô.
Các nhà phát triển, trong đó có Giáo sư Xuanhe Zhao của MIT, cho biết họ có thể đưa con robot này vào cơ thể bệnh nhân, sau đó điều khiển bằng nam châm hoặc thậm chí là động cơ của chính nó. Sợi dây robot cũng có thể đưa thuốc đến tận vùng não tổn thương hoặc gắn kèm tia laser để phá máu đông trong trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ. Đối với căn bệnh này, người bệnh được điều trị càng nhanh bao nhiêu sẽ càng tăng cơ hội sống sót bấy nhiêu.
Ông Zhao chi biết: “Nếu đột quỵ có thể được điều trị trong vòng 90 phút đầu tiên, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sẽ gia tăng đáng kể. Nếu chúng ta có thiết kế ra một thiết bị để đẩy lui các cục máu đông trong "khoảng giờ vàng", chúng ta có thể tránh được nguy cơ bị hỏng não vĩnh viễn. Đó là hy vọng của chúng tôi”.
Cục máu đông ngăn cản dòng tuần hoàn trong não bộ là nguyên nhân dẫn đến khoảng 85% các vụ đột quỵ. Tại Anh mỗi năm có trên 100.000 người bị đột quỵ và đó là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 ở nước này. Gần 1,2 triệu người Anh ngày nay từng sống sót trải qua một cơn đột quỵ nhưng nhiều người đã trở thành tàn phế.
Việc chăn nguồn cung cấp máu lên não sẽ làm cạn kiệt oxy, khiến một số vùng mô bị chết đi và phá vỡ các dây thần kinh, gây tổn hại đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Trong các ca phẫu thuật hiện nay, bác sĩ thường đẩy một sợi dây vào cơ thể thông qua một động mạch lớn ở phần thân dưới. Họ theo dõi sợi dây bằng cách kiểm tra hình ảnh X quang của chất huỳnh quang.
Ông Zhao cùng nhóm đồng nghiệp cho biết công nghệ soi huỳnh quang tương tự có thể được dùng để theo dấu robot mới của họ, song nó không cần đến lực đẩy vật lý tác động mới có thể di chuyển được.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nghiên cứu sinh Yoonho Kim, nói thêm: “Các nền tảng đang tồn tại hiện nay có thể áp dụng từ trường và thủ thuật soi huỳnh quang cùng lúc cho bệnh nhân, và bác sĩ có thể ở phòng khác, hoặc thậm chí ở một thành phố khác, điều khiển từ trường bằng cần điều khiển”.
Theo khoahoc.tv