Bốn giống lúa mới tại Afghanistan được nhà khoa học Việt nghiên cứu tìm thấy khả năng ức chế oxy hóa cao và nguồn dinh dưỡng protein, lipid dồi dào.
Nghiên cứu mới được các nhà khoa học Việt tại Đại học Hiroshima, Viện Nghiên cứu Di truyền Nông nghiệp và Đại học Nguyễn Tất Thành tại Việt Nam, phối hợp với Afghanistan thực hiện và công bố trên tạp chí Agriculture của MDPI.
Bốn giống lúa đặc trưng được trồng tại Afghanistan gồm: Attai-1, Jalalabad-14, Shishambagh-14 và Zodrass. Các nhà khoa học tiến hành quan sát mặt cắt ngang hạt gạo bằng kính hiển vi điện tử quét. Kết quả cho thấy, không chỉ có ưu thế về khả năng chống oxy hóa, 4 giống lúa này có ưu điểm vượt trội về năng suất hạt, chất lượng hạt. Trong đó giống lúa Jalalabad - 14 chứa lượng chất oxy hóa cao nhất, giống Attai-1 có hàm lượng amyloza, protein và lipid thấp hơn so với Jalalabad - 14.
Có 4 giống lúa đặc trưng khả năng chống oxy hóa cao. Ảnh minh họa: ST. |
Các nhà khoa học áp dụng phương pháp DPPH và ABTS (chất hóa học chuyên dùng để xét nghiệm oxy hóa) để kiểm tra khả năng chống oxy hóa của 4 giống lúa này. Kết quả cho thấy giống lúa Jalalabad - 14 có chỉ số chống oxy hóa cao nhất lần lượt là 2574 µg/mL và 2970 µg/mL, cao hơn chỉ số của gạo mầm và gạo nứt (ở phân đoạn ethyl acetate), xếp sau là giống Zodrass, Shishambagh -14 và Attai – 1.
Hàm lượng protein và lipid, khả năng chống oxy hóa là những chỉ số chính để đánh giá giá trị dinh dưỡng trong hạt gạo. Những chỉ số ở từng giống lúa khác nhau đều do các yếu tố kiểu gene hoặc môi trường bên ngoài tác động. Các yếu tố này tác động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi về năng suất và chất lượng lúa.
Afghanistan là một quốc gia xảy ra nhiều hạn hán, thường xuyên gặp khó khăn trong tưới tiêu nông nghiệp. Việc phát hiện những ưu thế vượt trội của 4 giống lúa này góp phần giảm thiểu tỷ lệ mất mùa, cải thiện nông nghiệp. Thông qua việc phát hiện các đặc tính vượt trội về dinh dưỡng, năng suất của 4 loại lúa mới này, các nhà lai tạo sẽ xem xét sử dụng các giống lúa này trong chiến lược nhân giống mở rộng và tạo ra các giống lúa lai khác cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Từ đó đem lại lợi ích cho việc cung cấp nguồn lương thực bền vững và cải thiện dinh dưỡng từ gạo.
Theo khoahoc.tv