Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại xã Hải Tân (Hải Hậu) đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn.
Mô hình trồng lan trong nhà lưới theo công nghệ Israel của anh Ngô Văn Thuận, xóm Phạm Tăng, xã Hải Tân. |
Triển khai Đề án “nâng cao chất lượng môi trường đảm bảo phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020”, xã Hải Tân đã nâng cấp khu xử lý rác thải tập trung theo hướng thân thiện với môi trường. Đồng chí Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hải Tân cho biết: Xã đã đầu tư 350 triệu đồng mua dây chuyền phân loại rác thải và ống khói thân thiện xử lý khí thải ở lò đốt rác LOSIHO. Theo quy trình xử lý rác thải ở Hải Tân, rác thải sinh hoạt thu gom về được chuyển vào băng chuyền tự động phân loại rác. Rác vô cơ đưa đi chôn lấp, còn rác hữu cơ đưa lên bộ phận nghiền sau đó đổ vào lò đốt rác. Khói thải sinh ra ở buồng đốt rác được máy hút qua bể lọc bằng nước vôi xử lý các chất ô nhiễm và mùi hôi trước khi tới ống khói thải ra môi trường. Qua đó đã góp phần giúp Hải Tân hoàn thiện tiêu chí môi trường, xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao theo hướng “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Xác định mục tiêu trọng tâm khi triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, bền vững là khai thác, phát huy kết quả nền tảng từ xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật đã được nâng cấp để phát triển sản xuất, trong đó quan tâm phát triển kinh tế hộ để nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nông dân địa phương đã tích cực đưa các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt, thích nghi trên diện rộng với cơ cấu trên 80% diện tích, tập trung vào các giống: BT7, BC15, Nếp 97, lúa đặc sản… Trong vụ xuân năm 2019, xã đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giống nông, lâm nghiệp Thái Bình đưa vào sản xuất 7,2ha giống lúa Nam Hương thương phẩm tại xóm Trần Đồng. Kết quả thu hoạch cho thấy giống lúa Nam Hương có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon và cho năng suất cao, phù hợp với chất đất của địa phương. Ngoài ra, nông dân Hải Tân còn áp dụng rộng rãi các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “quản lý dịch hại tổng hợp - IPM” trong phòng chống sâu bệnh bảo vệ thực vật nên đã giảm thiểu tác hại của sâu bệnh trên đồng ruộng cũng như tác động xấu của thuốc hóa học đối với sức khỏe người nông dân và môi trường. Đặc biệt việc xây dựng cánh đồng lớn sau khi dồn điền đổi thửa, gắn với việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, kiến thiết hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng đã tạo động lực khuyến khích nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, tỷ lệ làm đất và thu hoạch ở xã Hải Tân đạt 100% diện tích, góp phần giảm công lao động, hạ chi phí đầu vào và nâng cao năng suất, sản lượng lúa thu hoạch. Năng suất lúa bình quân của xã đạt gần 130 tạ/ha/năm. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới hình thành đang được phát huy hiệu quả và nhân rộng như: mô hình trồng đào, quất, hoa ly, hoa cúc phục vụ Tết tại xóm Phạm Tăng đạt giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa; mô hình trồng sen dưới ruộng, trên vườn trồng rau màu, cây đinh lăng, cây ăn quả lưu niên (ổi lai, mít Thái, bưởi da xanh…) ở vùng chuyển đổi 36,9ha của xã cho thu nhập cao gấp 2-5 lần so với cấy lúa. Điển hình là mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trồng hoa lan của anh Ngô Văn Thuận, xóm Phạm Tăng. Năm 2016, anh Thuận đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới theo công nghệ Israel để trồng hoa lan với công nghệ điều khiển độ ẩm, nước tưới tự động thuận tiện cho việc chăm sóc hoa. Việc áp dụng công nghệ trồng hoa trong nhà lưới với hệ thống tự động về độ ẩm, nước tưới giúp giảm được khá nhiều công chăm sóc hoa; mỗi ngày chỉ cần 1 người dành ra khoảng 30 phút để kiểm tra tình hình sâu bệnh vườn lan. Ngoài ra, vườn lan của anh Thuận còn được lắp 5 camera và hệ thống báo động để quản lý từ xa. Trong khu nhà lưới, anh Thuận đang ươm, trồng khoảng 2.000 chậu hoa, chủ yếu là 2 dòng lan phi điệp và lan kiếm vàng. Sau 3 năm, chỉ từ số vốn ban đầu là 300 triệu đồng, đến nay vườn lan của anh Thuận có giá trị gần chục tỷ đồng. Trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xã Hải Tân đã tạo điều kiện cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Power đầu tư trên 22 triệu USD xây dựng dự án Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép theo công nghệ Đài Loan ở Cụm công nghiệp Hải Tân. Nhà máy chuyên sản xuất các loại giày thể thao xuất khẩu sang các nước trong khối EU, Mỹ đã tạo việc làm cho 4.000 công nhân trong vùng với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn, đến nay, tổng thu nhập bình quân đầu người của xã Hải Tân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn dưới 1%; là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hiện cả 14/14 xóm của xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Để tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, xã Hải Tân tiếp tục tìm kiếm nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; hỗ trợ nhân dân tìm kiếm, thu hút nguồn lực, tiếp cận với các nguồn vốn, dự án đầu tư công nghệ mới vảo sản xuất nhằm nâng cao thu nhập. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường góp phần thực hiện xã nông thôn mới “Sáng - xanh - sạch - đẹp”./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh