Các nhà khoa học NASA tin rằng lượng khí metan mà họ phát hiện trên sao Hỏa mới đây có thể là bằng chứng cho sự sống của vi khuẩn trên Hành tinh Đỏ.
Tàu thăm dò Curiosity của NASA trong lần đo đạc đã phát hiện một lượng lớn khí metan trên sao Hỏa, thông tin quan trọng này được chuyển về Trái Đất.
Tàu thăm dò Curiosity của NASA. (Ảnh: AP) |
Năm 2013, tàu Curiosity của NASA cũng từng phát hiện khí metan trên sao Hỏa với mật độ đo được là 7 phần tỉ. Lượng metan lần này còn cao hơn gấp 3 lần, 21 phần tỉ.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học NASA cho rằng chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về sự sống của vi khuẩn trên hành tinh Đỏ nếu chỉ dựa vào các thông số này. Bởi đây chỉ là "kết quả nghiên cứu ban đầu".
Ashwni R. Vasavada tới từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA không loại trừ khả năng khí metan được phát hiện là kết quả của các phản ứng địa nhiệt không liên quan tới các sinh vật. Nó cũng có thể là tàn dư còn sót lại từ sự sống đã tuyệt chủng trên hành tinh này hàng triệu năm trước và nay thoát ra do các vết nứt mới hình thành.
"Giới nghiên cứu dự án này sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu trước khi đưa ra kết quả cuối cùng", một phát ngôn viên của NASA cho biết.
Trên Trái Đất, khí metan được tạo ra từ các vi khuẩn tạo metan (methanogens) và động vật.
Theo soha.vn