Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt, quyết định trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Để thúc đẩy, tạo môi trường gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ với ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh cần rất nhiều yếu tố, trong đó thị trường khoa học công nghệ đóng vai trò “bà đỡ” hết sức quan trọng, là kênh hữu hiệu để các bên giao dịch mua bán, trao đổi, môi giới nhằm tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) truy cập Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến của tỉnh. |
Hiện nay, có hai phương thức hoạt động phổ biến của thị trường khoa học công nghệ: thứ nhất là tổ chức hội chợ công nghệ (gọi tắt là Techmart) để giới thiệu, xúc tiến giao dịch công nghệ; thứ hai là thiết lập các Sàn giao dịch công nghệ hoạt động dưới các hình thức là sàn thực, sàn ảo hoặc kết hợp cả hai hình thức trên. Thời gian qua, mặc dù Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý cơ bản. Song trên thực tế, việc xây dựng và phát triển thị trường này còn nhiều rào cản, hạn chế nhất định so với mục tiêu hướng đến; trong đó, hạn chế lớn nhất là thiếu những cơ chế khuyến khích để hình thành và phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường. Xây dựng và phát triển các Sàn giao dịch công nghệ được xem là tổ chức quan trọng, có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ... Theo các nhà chuyên môn, đây là một loại hình tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ ở trình độ cao, mô hình tiên tiến về nhận thức trong chuyển giao công nghệ thay thế các mô hình trước đây; đáp ứng tốt vai trò kết nối cung - cầu trong thị trường chuyển giao công nghệ; là chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nỗ lực đổi mới công nghệ. Với việc đánh giá cao vai trò, tính phù hợp của mô hình này trong thúc đẩy phát triển thị trường khoa học của tỉnh. Từ năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Xây dựng sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định” với các hạng mục chính là: Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến (sàn ảo); khu trưng bày, tư vấn, quảng bá công nghệ thiết bị (sàn thực); khu hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp và đào tạo quản trị Sàn, marketing, tư vấn. UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện xây dựng Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức giao thương công nghệ và thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định. Từ tháng 7-2019, Dự án đã hoàn thiện hạng mục xây dựng Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến với tên miền là https://ndtex.vn được Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đưa vào vận hành thử nghiệm. Hiện Trung tâm đang xây dựng kế hoạch đưa Sàn giao dịch tiếp cận thị trường. Các hạng mục còn lại đang tiếp tục được hoàn thiện cơ sở vật chất, dự kiến đến tháng 11-2019 sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Theo đồng chí Đào Thành Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ, việc khai thác Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị của tỉnh được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức, về khách quan do thị trường và nhân lực khoa học và công nghệ tại tỉnh ta còn yếu, các doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hoạt động kinh doanh là chính. Về chủ quan, nhân lực phục vụ Sàn còn thiếu và yếu, hầu hết chưa có kinh nghiệm trong quản lý hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị, kinh phí đầu tư cho Sàn hoạt động còn thấp. Ngoài ra, các mạng lưới tổ chức, dịch vụ trung gian chưa phát triển, hoạt động yếu nên khó đẩy mạnh công tác thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, chưa phát huy được sức mạnh phối hợp với các Sàn giao dịch tác động thúc đẩy thị trường công nghệ.
Để phát triển Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị của tỉnh, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Về cơ chế chính sách, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng được hỗ trợ; nội dung kế hoạch thực hiện; nguồn kinh phí thực hiện; cách thức tổ chức thực hiện. Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý Sàn. Có cơ chế đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ về địa phương. Ngoài các giải pháp trên, các cấp, ngành liên quan cần đẩy mạnh liên kết phối hợp với các Sàn giao dịch công nghệ trong nước và quốc tế, tăng cường tiềm lực của Nhà nước, nhất là về tài chính để hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị nhằm phát huy hiệu quả vai trò cốt lõi trong hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học và định giá công nghệ của Sàn. Từ đó tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường cho các sản phẩm và doanh nghiệp địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và liên kết phát triển kinh tế vùng nói chung./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh